PPP được kỳ vọng sẽ giúp thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài mạnh hơn, đặc biệt từ Nhật Bản (trong ảnh: Hoạt động tại nhà máy của Honda Việt Nam) - Ảnh: N.Sơn |
PPP trong đầu tư, xây dựng, đặc biệt là ở các dự án cơ sở hạ tầng là một vấn đề được Chính phủ rất quan tâm để thu hút vốn đầu tư của tư nhân cả trong và ngoài nước. QH cũng đã dự kiến soạn thảo và ban hành luật về PPP vào năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Đào Quang Thu, do tính chất quan trọng của vấn đề PPP, nhiều dự án hiện nay đã và đang triển khai, gặp khá nhiều vướng mắc nên trước mắt cần phải ban hành một nghị định để tạo hành lang pháp lý ban đầu để xử lý các vấn đề phát sinh.
Theo ông Hiroshi Wantanabe, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, đối tác hỗ trợ xây dựng dự thảo Nghị định PPP, các nhà đầu tư Nhật rất quan tâm đến các vấn đề khả năng chuyển đổi đồng tiền, xử lý các tranh chấp phát sinh, vấn đề bảo lãnh của Chính phủ... “Vai trò của nhà nước trong việc thực hiện các dự án PPP rất quan trọng. Nhà đầu tư lo lắng nhất là các rủi ro về tỷ giá, việc chuyển đổi ngoại tệ để chuyển lợi nhuận về nước và sự ổn định trong các chính sách của VN. Nếu chính sách của VN cứ mỗi năm thay đổi một lần, khó tiên liệu thì rất khó đem lại sự tin tưởng của nhà đầu tư trong hợp tác PPP”, ông Hiroshi Wantanabe nói.
Ông Hiroshi Wantanabe cho rằng, xu hướng đầu tư của Nhật Bản vẫn tăng lên ở VN cho thấy nhiều nhà đầu tư Nhật vẫn tin tưởng vào kinh tế VN và đầu tư bằng hình thức PPP là một kênh thu hút vốn quan trọng. “Tôi cũng lưu ý là đầu tư theo mô hình này cần có một đơn vị làm đầu mối để tránh phải qua nhiều cửa, gây mất thời gian. Cần có một quy trình nhanh chóng, minh bạch cho nhà đầu tư nhanh chóng có quyết định, lựa chọn không họ sẽ chùn bước”, ông Hiroshi Wantanabe khuyến nghị.
Trả lời các vấn đề mà đại diện phía Nhật Bản nêu ra, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết: “Trong dự thảo nghị định có quy định về Ban Chỉ đạo thực hiện PPP, ở các địa phương, bộ ngành liên quan cũng chỉ có một đại diện để xử lý các vấn đề liên quan đến các dự án PPP. Quy trình, thủ tục cho các dự án PPP cũng được rút gọn, các dự án quy mô nhỏ thì quy trình càng đơn giản hơn. Nghị định cũng sẽ quy định các chính sách hỗ trợ của nhà nước cho các dự án PPP về giải phóng mặt bằng, tái định cư...”.
Theo ông Lê Văn Tăng, vì đánh giá cao mô hình PPP đã thực hiện thành công ở nhiều nước, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, Chính phủ VN cũng cho phép áp dụng nhiều chính sách rất cởi mở trong dự thảo Nghị định PPP như sẽ không giới hạn tỷ lệ vốn đầu tư tư nhân vào các dự án PPP (không áp dụng quy định trần 30%) như trước đây.
Mạnh Quân
>> Nhiều dự án PPP gặp vướng mắc
>> PPP gỡ nút thắt vốn xây dựng hạ tầng
>> Thu hút đầu tư nước ngoài theo hình thức PPP
>> Rà soát, đề xuất các dự án PPP khả thi
Bình luận (0)