Siết chặt kiểm soát vận chuyển hàng hóa

27/07/2021 07:04 GMT+7

Chiều muộn 26.7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về tăng cường quản lý hoạt động xe máy ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường.

Theo đó, kể từ 26.7, TP.HCM chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Giá cước tăng vọt

Cụ thể, UBND TP yêu cầu các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper thực hiện ngay việc rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên so với trước thời điểm thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy. Ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay (thông qua đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp (DN), giấy thông hành của DN cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng...), các đơn vị chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có hình, xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code. Bảng tên phải hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper, phương tiện; địa chỉ: công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng; người đặt hàng; lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu; chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển... Đồng thời thực hiện băng đeo tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ “Shipper” màu trắng.
Ngoài ra, mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, huyện, TP.Thủ Đức. Riêng đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ (nhân viên giao hàng của các siêu thị...): các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công thương xác nhận.

Shipper tại TP.HCM phải đeo băng tay xanh, bảng tên nhận diện mới được hoạt động

Thực ra từ sáng 25.7, TP.HCM áp dụng thêm nhiều quy định. Tại khu vực đường Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé), một tài xế xe ôm công nghệ đang trên đường giao hàng hóa cho khách thì bị Đội CSGT-TT Công an Q.1 yêu cầu dừng xe để kiểm tra ngẫu nhiên. Qua kiểm tra, bên trong hàng hóa là cục sạc điện thoại nên tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế này 2 triệu đồng với vi phạm ra đường khi không thật sự cần thiết. Tương tự, một nhân viên cửa hàng Điện Máy Xanh trên đường đi giao tủ lạnh cho khách hàng cũng bị CSGT lập biên bản, nộp phạt 2 triệu đồng vì “tủ lạnh không phải hàng hóa, mặt hàng kinh doanh thiết yếu”. Sau nhiều trường hợp bị phạt, tới sáng 26.7, các tài xế xe công nghệ cũng trở nên “rón rén” hơn.
Anh M.V (TP.Thủ Đức) đặt xe ôm công nghệ giao 1 thùng hàng gồm trứng, rau, bánh cho người cháu đang ở trong khu vực bị phong tỏa tại Q.Bình Thạnh. Mất thời gian khá lâu thì anh V. mới đặt được xe. Đáng nói, tài xế yêu cầu anh V. phải mở hết thùng hàng để kiểm tra. Tiếp tế lương thực gồm trứng, rau, bánh..., nên anh V. đã cẩn thận gói ghém trong thùng carton, dán băng keo kín mít. Nhưng tài xế lại yêu cầu mở ra hết và chỉ được dán hờ lại để trên đường nếu bị cảnh sát giao thông kiểm tra thì mở ra cho dễ. Di chuyển khó khăn, số lượng tài xế giảm mạnh khiến giá cước cho các đơn hàng cũng tăng vọt. Anh Đ.S (ngụ H.Nhà Bè) giật mình khi đặt tài xế giao đồ ăn tiếp tế nhà bạn tại Q.2, ứng dụng Grab báo giá 110.000 đồng, trong khi thường ngày chỉ dao động từ 60.000 - 70.000 đồng cho cùng quãng đường.
Trả lời Thanh Niên, đại diện hãng gọi xe công nghệ Gojek Việt Nam cho biết giá cuốc xe được quyết định bởi thuật toán dựa trên một số yếu tố như nhu cầu sử dụng và lượng xe có sẵn.
“Cầu tăng lớn trong khi cung ngày càng giảm nên giá cước cũng tăng theo. Dịch bệnh khó khăn, những tài xế còn hoạt động thường là đối tượng cực kỳ khó khăn, họ phải chấp nhận rủi ro để tiếp tục chạy xe kiếm tiền”, vị này chia sẻ.

Bản tin Covid-19 ngày 26.7: Cả nước thêm 7.882 ca, TP.HCM phạt không nương tay với người vi phạm

DN vận tải rối vì giấy nhận diện

Không chỉ shipper 2 bánh gặp khó, các đơn vị vận tải hàng hóa liên tỉnh cũng đang hoang mang vì các quy định phòng, chống dịch.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, để việc triển khai luồng xanh hàng hóa tiếp diễn thuận lợi, Sở GTVT đã có hướng dẫn cụ thể, cho phép các phương tiện đã được cấp giấy nhận diện (có mã QR) được tự động gia hạn đến hết ngày 1.8, các đơn vị không cần làm thủ tục gia hạn.
“Phần mềm của Sở GTVT TP.HCM hỗ trợ cấp tự động. Nếu các đầu mối gửi dữ liệu một lần vài trăm xe (trường hợp dữ liệu sắp xếp đúng định dạng) thì chỉ mất khoảng 2 giờ để hoàn thành cấp giấy nhận diện. Mỗi ngày, Sở GTVT cấp trung bình hơn 3.000 giấy nhận diện cho các phương tiện”, lãnh đạo ngành giao thông TP.HCM khẳng định.
Không nên cấm các hoạt động của shipper giao nhận hàng hóa trên các nền tảng mua sắm online vì lực lượng shipper thực chất là một công cụ sống không thể thiếu đối với người dân trong điều kiện giãn cách xã hội. Người dân dù trong hoàn cảnh nào cũng cần phải mua lương thực, thực phẩm và các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Để người dân mua online rồi shipper đem đến sẽ tốt cho mục tiêu phòng, chống dịch.
TS Lương Hoài Nam
Việc cấp mã QR cho xe vận tải ở TP.HCM không bị tắc ở khâu thủ tục nhưng tại các chốt kiểm soát vẫn thường xuyên xảy ra ùn ứ. Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh, kể trong sáng qua (26.7), công ty ông đã có 1 xe contanier bị vướng tại chốt cửa ngõ từ TP.HCM đi Long An và 1 xe từ Long An quay đầu về cũng bị mắc kẹt tại cửa ngõ. Số là, tài xế cứ nghĩ theo quy định của tổng cục, di chuyển trong các tỉnh phía nam không cần mã QR, việc cấp giấy chứng nhận chỉ có hiệu lực trong phạm vi TP.HCM nhưng thực tế, các tỉnh, thành khác vẫn tiếp tục kiểm tra, không có thì không cho qua. Bên cạnh đó, nhiều địa phương quy định chưa thống nhất, một số xe chở thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất cho một số DN ít ỏi còn tiếp tục đủ điều kiện hoạt động, cũng không được cho qua vì “không phải hàng hóa thiết yếu”.
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông, đô thị TP.HCM, đánh giá về vận tải hàng hóa liên tỉnh, hiện nay cả 19 tỉnh, thành đã “về chung một nhà” gọi là “đội Chỉ thị 16”, việc lập trạm kiểm soát giữa các địa phương không chỉ gây thêm cản trở lưu thông hàng hóa mà còn nguy cơ phát sinh tiêu cực tại các chốt kiểm dịch. Nên bỏ các chốt kiểm soát liên tỉnh, chỉ cần các đội kiểm soát lưu động tuần tra, kiểm soát ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, quy định các mặt hàng thiết yếu để siết shipper là chưa hợp lý. Nhu cầu thiết yếu của người dân vô cùng đa dạng. Việc cơ quan công an kiểm tra đồ khách hàng giao nhận hay xử phạt hành chính tài xế là thiếu cơ sở pháp luật. “Cần áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội chứ không phải đi cấm các hoạt động thiết thực phục vụ dân sinh như thế”, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.