Siết chi phí mua bảo hiểm

Bộ Tài chính đang đề xuất phương án khống chế hằng tháng ở mức 3 triệu đồng/người đối với mức trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ trong các doanh nghiệp.

Không nên áp chi phí cứng
Theo quy định hiện hành, đối với khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cho người lao động, được tính toàn bộ vào chi phí trước khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (DN). Việc này đảm bảo an sinh cho người lao động, qua đó thu hút, khuyến khích tạo động lực để người lao động yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với DN. Tuy nhiên, theo tờ trình dự thảo sửa đổi, Bộ Tài chính cho rằng trong quá trình thực hiện, một số DN, đặc biệt là DN nhà nước đã chi mua BHNT cho người lao động giá trị cao so với mức lương, thu nhập của công nhân viên. Nếu không khống chế mức mua bảo hiểm, DN sẽ hạch toán vào chi phí được trừ, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách, phần vốn nhà nước khi xác định giá trị DN.
Không chỉ BHNT, mức khống chế 3 triệu đồng/người/tháng là bao gồm cả mức trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Như vậy, số tiền mà DN được phép mua dành cho phần BHNT còn thấp hơn mức 3 triệu đồng/người/tháng. Dự thảo nếu được thông qua, nghĩa là DN sẽ phải tính lại, loại trừ nếu các chi phí này vượt mức quy định. Đặc biệt, Bộ Tài chính còn đề xuất áp dụng hồi tố quy định này từ ngày 1.7.2016. Theo các DN, thông thường những hợp đồng BHNT có thời gian kéo dài 5 - 10 năm và đã được khấu trừ vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập DN. Nếu hồi tố thì mức chi phí đó ai sẽ gánh chịu? Hay quy định này bắt buộc DN phải dừng hợp đồng BHNT đối với người lao động?
Ngoài ra, quy định bỏ khống chế mức trần (1 triệu đồng/người/tháng) đối với khoản chi phí mua BHNT cho người lao động cũng chỉ mới được Bộ Tài chính áp dụng từ tháng 8.2015 đến nay. Nghĩa là sau 2 năm bộ này lại thay đổi là quá nhanh, khiến cho các DN trở tay không kịp.
Trên thực tế, việc mua BHNT cho người lao động chủ yếu được các DN áp dụng cho các nhân sự quản lý từ cấp trung trở lên, là một chính sách thu nhập tăng thêm để khuyến khích và thu hút lao động giỏi gắn bó lâu dài với công ty.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cũng cho rằng nếu Bộ Tài chính muốn siết mức trần số tiền mua BHNT của DN để kiểm soát chi phí thì phải công bố về cơ sở xác định số tiền này đã hợp lý chưa. Nên quy định tỷ lệ phần trăm dựa trên mức thu nhập của người lao động hoặc theo hướng khống chế số tiền đó được gấp bao nhiêu lần so với mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì hợp lý hơn. Ngoài ra nên có chính sách khuyến khích các DN mua hợp đồng BHNT dài hạn cho người lao động hơn là hợp đồng thời hạn ngắn. Vì với các hợp đồng ngắn hạn thì DN cũng sẽ dễ dàng "lách" để khấu trừ chi phí hơn hợp đồng có kỳ hạn từ 10 năm trở lên...
Tận thu
Trong lúc dự kiến siết theo hướng khống chế mức chi cho BHNT thì luật BHXH năm 2014 quy định từ đầu năm 2018 sẽ mở rộng đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc đối với người lao động nước ngoài làm việc tại VN. Đó là chưa kể hiện nay, người lao động nước ngoài đã phải tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc. Nhiều DN đang lo lắng điều này sẽ khiến cho chi phí gia tăng rất lớn.
Thực tế nhiều DN cho biết người lao động nước ngoài khi vào VN làm việc luôn yêu cầu người sử dụng lao động ở VN phải mua gói bảo hiểm y tế cao cấp của các công ty bảo hiểm như một điều kiện của hợp đồng. Phi lý dễ thấy nhất là lao động nước ngoài hầu như không sử dụng đến bảo hiểm y tế bắt buộc trong khi DN sử dụng lao động vẫn phải đóng.
Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB-XH, số lượng người lao động nước ngoài làm việc tại VN tăng nhanh trong những năm qua. Từ năm 2011 - 2016, người nước ngoài từ 63.557 người lên 83.046 người.
LS Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận định: Việc thu BHXH đối với người nước ngoài lâu nay ít ai để ý vì người Việt không phải đối tượng trong dự thảo, còn người nước ngoài thì không rành tiếng Việt để có thể đọc và góp ý. Theo ông, không nên thu BHXH đối với người nước ngoài vì đa phần họ chỉ ở VN thời gian ngắn, nhiều nhất là vài năm trong khi BHXH có ý nghĩa nhất đó là lương hưu trí. Bên cạnh đó, dù lương của người nước ngoài cao, có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng nhưng quy định mức tiền lương đóng BHXH tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở, nên phần đóng bảo hiểm lại không nhiều. Các DN lại thường thỏa thuận với người nước ngoài trả lương sau khi đã trừ thuế nên quy định này sẽ là gánh nặng đối với DN. Vì vậy khi quy định đóng BHXH bắt buộc cho người lao động nước ngoài thì khả năng DN sẽ phải đóng toàn bộ thay vì có mức đóng góp của người lao động. Điều này càng gây áp lực về chi phí lên DN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.