Nghị quyết số 119/NQ-CP được ký ban hành ngày 31.12.2019 nêu rõ, trong thời gian qua Việt Nam đã tham gia ký kết và đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi thực hiện các Hiệp định FTA này, phần lớn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn thuế nhập khẩu khi xuất sang các đối tác FTA. Trong khi đó nhiều đối tác trên thế giới đang tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp... với mức rất cao, gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng xuất khẩu của nước bị áp thuế. Dẫn tới việc một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, lợi thế thương mại hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thương mại quốc tế, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ-Trung, sự điều chỉnh chính sách của một số quốc gia đối tác lớn gần đây thì cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tăng cường quản lý nhà nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp nhằm phát triển bền vững xuất khẩu; góp phần bảo vệ và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trong những ngành, lĩnh vực liên quan.
Do đó Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như sửa đổi hoặc thay thế quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe.
Bộ Công thương phải theo dõi, thống kê, cập nhật thường xuyên và kịp thời cung cấp danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành, tổ chức liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt đối với việc cấp C/O và giám sát hoạt động đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu.
Bộ Công thương còn được giao tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức cấp C/O và thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức cấp C/O (cả C/O ưu đãi và C/O không ưu đãi) bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về xuất xứ hàng hóa. Cũng như tăng cường phối hợp giữa các tổ chức cấp C/O trong việc trao đổi thông tin; tăng cường hướng dẫn về chuyên môn và nghiệp vụ các cán bộ cấp C/O, nâng cấp cơ sở vật chất, lưu trữ hồ sơ, chứng từ... tạo thuận lợi cho việc xác minh xuất xứ khi có yêu cầu.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thường xuyên giám sát, cập nhật thông tin dữ liệu về tình hình cấp C/O để phát hiện các diễn biến bất thường; tiếp tục triển khai rộng rãi cơ chế phân luồng trong việc tiếp nhận hồ sơ và cấp C/O, cập nhật thường xuyên danh sách các doanh nghiệp và mặt hàng trong diện nguy cơ rủi ro cao để đưa vào luồng đỏ. Cơ quan này cũng phải tăng cường theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để tránh các trường hợp lợi dụng thực hiện hành vi gian lận về xuất xứ hàng hóa.
Đối với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu chỉ đạo Tổng cục Hải quan theo dõi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc danh sách và các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hằng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công thương, Bộ Công an.
Siết chặt công tác kiểm tra xuất xứ từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến khâu kiểm tra sau thông quan. Xây dựng mạng lưới nghiệp vụ để kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Bình luận (0)