Siêu thị tóc, cửa hàng thú cưng... lên sàn gọi vốn

Mai Phương
Mai Phương
27/08/2018 18:26 GMT+7

Vốn đầu tư từ 1 tỉ đến vài chục tỉ; người góp vốn từ vài chục triệu đến vài chục tỉ. Dự án gọi vốn thì hết sức đa dạng và vô cùng đơn giản.

Thay vì gặp gỡ với các quỹ đầu tư khi cần tiền để hoạt động, ngày nay hàng loạt dự án từ nhỏ đến lớn đều có thể lên mạng gọi vốn từ cộng đồng.
Nở rộ gọi vốn hợp tác
Hàng loạt dự án đầu tư đang “rao” gọi vốn trên sangoivon.vn  với mức góp vốn từ 70 triệu đồng tới 30 - 40 tỉ đồng đều có đủ. Trong đó nhiều nhất là các dự án có quy mô từ 1 - 10 tỉ đồng.
Nội dung các ý tưởng kinh doanh khá phong phú, từ dịch vụ siêu thị tóc, cửa hàng thú cưng và các dịch vụ liên quan đến sản xuất bao bì công nghiệp, sản xuất trang sức vàng bạc, nhập khẩu phân bón, showroom thiết kế nội thất… Ví dụ khi thử tìm hiểu về dự án “Mở rộng cửa hàng thú cưng Babali” được đưa lên sàn này từ ngày 8.8, chủ đầu tư giới thiệu sinh năm 1990 và cần gọi vốn đầu tư 1 tỉ đồng trên tổng số vốn 1,35 tỉ đồng của dự án. Hệ thống cửa hàng này sẽ kinh doanh các loại thú cưng và các sản phẩm, thức ăn, thời trang, sản phẩm chăm sóc cho thú như quần áo, dầu tắm, vòng cổ… Hệ thống hiện có 3 cửa hàng ở Vĩnh Long, Long Xuyên, Cà Mau… với doanh thu năm 2017 hơn 2,2 tỉ đồng và lợi nhuận hơn 60 triệu đồng. Mục tiêu hệ thống sẽ tập trung mở rộng ở khu vực miền Tây, trong năm nay sẽ tăng gấp đôi cửa hàng và lợi nhuận sẽ khoảng 30 - 40%...
Còn với dự án “Mở rộng quy mô Công ty TNHH TM và DV Du lịch Quốc Nhân” cần huy động 30 tỉ đồng cho toàn bộ nguồn vốn thực hiện với trụ sở chính tại Bình Định. Dự án nêu tầm nhìn của công ty là trở thành một trong những công ty du lịch hàng đầu của khu vực, nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam. Hiện tại công ty mong muốn mở rộng quy mô kinh doanh tạo thành một hệ thống khép kín về phục vụ khách du lịch, gồm từ tổ chức tour du lịch, vận chuyển bằng ô tô, nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên dự án này không nêu rõ về doanh số, lợi nhuận đã đạt được trong thời gian qua cũng như bài toán tài chính dự kiến sắp tới.
Website capifas.com cũng giới thiệu là nơi chuyên gọi vốn đầu tư cho các dự án trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, các dự án trên sàn này chỉ đưa ra thông tin vắn tắt đại loại như “Công ty trang phục nghệ thuật hội họa cần gọi vốn đầu tư để tiến vào thị trường Âu, Mỹ. Liên hệ 094xxxxxxx. Cảm ơn”. Ngoài ra còn một số fanpage, các trang cá nhân cũng đang “nở rộ” những câu chuyện gọi vốn hợp tác để khởi nghiệp…
Một trang web gọi vốn đầu tư trên mạng Ảnh chụp màn hình
Phí đến 6% vốn
Tại sangoivon.vn, mức phí để đưa một dự án giới thiệu lên website này được công bố chỉ ở mức 1 triệu đồng với thời gian đăng 3 tháng. Sau thời gian đó nếu dự án vẫn chưa gọi được vốn thì có thể tiếp tục đăng thêm 3 tháng nữa mà không phải trả thêm chi phí. Tuy nhiên chủ sàn chỉ đóng vai trò kết nối. Còn phía nhà đầu tư và chủ dự án phải tự thỏa thuận làm việc với nhau về việc góp vốn, hợp đồng… Trong khi đó, trang capifas.com lại đưa ra chính sách chủ dự án chỉ thanh toán phí sau khi gọi vốn thành công với mức từ 2 - 6% trên số vốn gọi được.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét: Việc gọi vốn đầu tư trên mạng có vẻ được thực hiện theo “phong trào”. Bởi để đánh giá về tính khả thi của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp (startup) luôn cần những người có kinh nghiệm, chuyên môn như các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các doanh nhân là chủ các doanh nghiệp lớn. Việc đầu tư vào startup luôn được xem là đầu tư mạo hiểm nên những nhà đầu tư trước khi bỏ vốn vào phải đánh giá về nhiều yếu tố liên quan. Trong đó quan trọng nhất là kế hoạch sử dụng vốn nhận được như thế nào và nhận diện các rủi ro cho hoạt động kinh doanh của startup. Bên cạnh đó còn có những điều kiện khác như khả năng thoái vốn sau khi đầu tư thế nào? Tổ chức nào sẽ giám sát hoạt động, kế hoạch sử dụng vốn đó? Nhà đầu tư bỏ vốn vào xong rồi sẽ ra sao?… Trong khi đó, các dự án giới thiệu ở các sàn gọi vốn đều khá sơ sài, không rõ ràng về kế hoạch sử dụng vốn hay phân tích về rủi ro mà chỉ chủ yếu nói về thuận lợi.
Theo chuyên gia Hiển, đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm hay các doanh nghiệp chấp nhận bỏ tiền đầu tư vào những dự án mới thì trong số 10 vụ, chỉ cần 1 vụ thành công là đủ bù đắp lại chi phí bỏ ra cho 9 vụ thất bại khác. Rõ ràng đây không phải là những đối tượng xem xét bỏ vốn cho các dự án giới thiệu trên các sàn gọi vốn.
“Việc gọi vốn trên mạng internet như qua các sàn gọi vốn cũng là một ý hay trong giai đoạn khuyến khích khởi nghiệp hiện nay. Tuy nhiên nếu xảy ra những vụ mất tiền của các nhà đầu tư trong cộng động thì sẽ kéo theo những hậu quả khó lường. Một trong những hệ lụy đó có lẽ uy tín, niềm tin vào hoạt động startup của cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó làm tinh thần khởi nghiệp của nhiều bạn trẻ cũng có thể bị nhụt chí”, TS.Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.