Sớm chấm dứt tình trạng 'giải cứu' nông sản

Vũ Hân
Vũ Hân
14/04/2018 07:58 GMT+7

Trong ngày làm việc 13.4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 2 dự án luật: Chăn nuôi và Trồng trọt, đều do Bộ NN-PTNT là cơ quan chủ trì soạn thảo.

Dự thảo đã cụ thể hóa các yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi để đảm bảo có thể quản lý trên 4 lĩnh vực: đăng ký chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; giám sát đảm bảo về môi trường; thực hiện an toàn sinh học và phát triển theo quy hoạch. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý khi kinh doanh giống vật nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, giúp các cơ quan quản lý thống kê, giám sát, quản lý và là cơ sở để từng bước quy hoạch phát triển ngành.
Với việc cơ quan soạn thảo đặt ra nhiều điều kiện kinh doanh mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị cần rà soát lại. “Muốn có thêm điều kiện thì Chính phủ phải trình Quốc hội sửa luật Đầu tư, mà luật này thì cũng mới được sửa. Đặt ra quá nhiều điều kiện có thể thuận lợi cho quản lý nhưng hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Định nói.
Về dự án luật Trồng trọt, cơ quan thẩm định là Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường của Quốc hội cho rằng cần xây dựng chiến lược về quy hoạch, xây thị trường đầu ra cho sản phẩm. Tình trạng được mùa mất giá hằng năm do trồng trọt mang tính tự phát được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm. Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần xây thị trường cho sản phẩm mà người dân làm ra và giải quyết vấn đề dự báo thị trường. Ông Tỵ lưu ý phải làm sao sớm chấm dứt tình trạng “giải cứu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.