Đơn giản hóa mọi thao tác trong cuộc sống
Tháng 10.2000 đánh dấu bước ngoặt của viễn thông Việt Nam với sự xuất hiện của dịch vụ 178 Viettel. Khách hàng có thêm lựa chọn nhà mạng với giá cước chỉ bằng 55% - 60% giá cước điện thoại truyền thống.
Từ một dịch vụ xa xỉ, giờ đây tất cả mọi người đều có cơ hội sử dụng. Chỉ với 20.000 đồng/tháng, người dân vùng sâu, vùng xa đã có thể sử dụng được một thuê bao điện thoại cố định. Tương tự, cước thuê bao di động giảm liên tục, thậm chí xuất hiện thêm những phương thức liên lạc không mất phí nhờ sự phát triển của 3G, 4G và tương lai là 5G. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông di động của xã hội.
Trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 cùng nhu cầu sử dụng internet di động gia tăng mạnh mẽ, các doanh nghiệp viễn thông cũng phải đổi mới liên tục để thích nghi và tận dụng cơ hội từ xu thế chuyển đổi số. Một số doanh nghiệp tiên phong đã chuyển đổi hiệu quả từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống đơn thuần sang nhà cung cấp dịch vụ số.
Trong đó, Viettel đã xây dựng được một hệ sinh thái số với các dịch vụ đa dạng ở cả 4 lĩnh vực thương mại số, nội dung số, giải pháp quản trị số và thanh toán số.
Từ nhiều năm nay, mọi hoạt động bán hàng của Viettel đều được đưa lên môi trường số, giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ với một chiếc smartphone, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm như viễn thông, công nghệ thông tin, thiết bị điện tử... và kho nội dung giải trí bản quyền chất lượng cao của Viettel.
|
Các dịch vụ giải pháp số của Viettel được hình thành khá đa dạng với hệ thống quản lý bán hàng trực tuyến DMSONE, phần mềm giám sát phương tiện itracking, hóa đơn điện tử S-invoice, phần mềm văn phòng điện tử M-office, hồ sơ bệnh án điện tử… ứng dụng rộng rãi tại các cơ quan quản lý, bệnh viện, trường học. Nhờ vậy, người dân có thể tiếp cận nhanh chóng với các thông tin giáo dục, y tế…
Đặc biệt, nhà mạng quân đội đang tiên phong cung cấp giải pháp quản trị số, bước đầu thực hiện dự án về chính phủ điện tử, chính phủ số, đưa nhà nước và người dân đến gần nhau hơn.
Lĩnh vực tài chính - thanh toán số cũng không thiếu dấu chân của Viettel. Hệ sinh thái Ngân hàng số ViettelPay, ViettelPay Pro, BankPlus, Cổng thanh toán, Dịch vụ thu chi hộ - trả lương… đã góp phần rất lớn thay đổi cách thực vận hành của các giao dịch tiền tệ trong xã hội.
Đảm bảo giao dịch an toàn trong thời đại số
Hiện nay, thanh toán số được đánh giá là yếu tố then chốt trong việc kiến tạo xã hội số tại Việt Nam. Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng cho biết, nếu lưu thông tiền tệ là mạch máu của nền kinh tế, thì thanh toán số là mạch máu của nền kinh tế số. Công cụ thanh toán phổ cập tới đâu, dịch vụ số sẽ phát triển đến đó và trở thành yếu tố thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội.
|
Trong khi hệ thống ngân hàng chưa thể tiếp cận đến mọi khu vực, các nhà mạng đã xây dựng và mở rộng cơ sở hạ tầng đến từng xã, huyện biên giới, hải đảo. Từ đó, mở rộng mạng lưới giao dịch tiền di động - Mobile Money rộng khắp toàn quốc.
Cả 3 nhà mạng lớn ở Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đã đề xuất triển khai dịch vụ này. Trong đó, Viettel đã có giấy phép trung gian thanh toán và được đánh giá có nhiều tiềm lực phát triển.
Trên nền tảng SMS quen thuộc với mạng lưới hơn 70 triệu thuê bao khắp toàn quốc, Mobile Money của Viettel có thể len lỏi đến vùng sâu vùng xa, cho phép người dân tiếp cận với phương thức tài chính số linh hoạt ngay cả khi không có kết nối internet.
|
Việc ra mắt mới đây (ngày 26.6.2019) của Tổng công ty Dịch vụ số Viettel sẽ kiện toàn hệ sinh thái số, tạo nền móng cho quá trình chuyển dịch số, khởi nguồn cuộc sống số tại Việt Nam.
Bình luận (0)