Sóng vàng đảo chiều 'quét sạch' túi nhà đầu tư

26/02/2020 07:29 GMT+7

Tăng vèo 3 triệu đồng/lượng trong 1 phiên rồi giảm ào gần 2 triệu ngay sau đó, “sóng thần” trên thị trường vàng khiến hàng loạt nhà đầu tư vỡ mộng hốt bạc khi bỏ tiền tỉ ôm vàng.

Lỗ hơn 4 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 đêm

Sau khi đạt mức kỷ lục 49,7 triệu đồng/lượng trong ngày 24.2, vàng miếng SJC đã giảm mạnh 2,3 - 3 triệu đồng/lượng vào ngày 25.2. Công ty SJC mua vào còn 46,6 triệu đồng/lượng, bán ra 47,4 triệu đồng/lượng. Hệ thống cửa hàng vàng bạc đá quý PNJ mua vào 45,8 triệu đồng/lượng, bán ra 47,3 triệu đồng/lượng... Vàng trong nước giảm theo thế giới khi giá “bay” 35 - 50 USD/ounce trong ngày, còn 1.650 USD/ounce, có thời điểm xuống còn 1.632 USD/ounce.
Giá vàng nhảy nhót lên xuống khiến nhiều người dân Hà Nội vẫn còn xây xẩm mặt mày trong ngày 25.2. Tại các tiệm vàng số lượng người giao dịch vẫn khá đông. Anh Bùi Cường (Q.Đống Đa, Hà Nội) cho biết ngày hôm trước khi giá vàng lao từ 46 triệu lên 48 triệu đồng đã nhanh tay mua vào 10 lượng.
Những tưởng vàng vọt lên 50 triệu/lượng và còn phi tiếp, nhưng đến sáng hôm sau thị trường vừa mở cửa giá đã quay đầu xuống chỉ còn 46 triệu đồng/lượng (mua vào). “Bán ra thì lỗ mất ngay 2 triệu đồng/lượng nên thôi cứ ôm lại vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn chưa được kiểm soát. Biết đâu sau đợt điều chỉnh này nó lại tăng tiếp”, anh Cường kỳ vọng.
Người mua mới lỗ nặng, người mua cũ cũng chưa thể chốt lời. Tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM), một người đàn ông khoảng 60 tuổi nói với người đi cùng giọng lưỡng lự: “Đầu năm mua vàng với giá 42,5 triệu đồng/lượng, giờ 47 triệu đồng/lượng, không biết có nên bán ra hay không?”. “Lời mỗi lượng 4,5 triệu rồi, không bán còn đợi gì nữa bác?”. “Sợ bán ra mà giá tăng nữa thì không mua lại được”, vị này trả lời, mắt vẫn không rời chiếc bảng điện tử hiện giá vàng. Đến lúc chúng tôi rời đi, người đàn ông này cũng bỏ đi khi thấy vàng giảm liên tục.
Thực tế, nếu mua vàng từ trước tết với giá khoảng 41 - 42 triệu đồng/lượng, mỗi lượng vàng chốt vùng giá 47 triệu đồng/lượng hôm qua cũng mang về khoảng 5 - 6 triệu đồng/lượng. Thậm chí, mua ngày vía Thần Tài với giá 44 triệu đồng/lượng, cũng bỏ túi 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, diễn biến quá nhanh của giá vàng khiến nhiều người không kịp chốt lời. Tới ngày 25.2, tại rất nhiều tiệm vàng người dân vẫn đứng chen nhau, canh giá tốt để bán và cũng rất nhiều người tiếc hùi hụi ra về vì chốt lời không kịp.

Chỉ có tiệm vàng ăn lãi

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), cho hay trong 2 ngày nay, giá vàng biến động hết sức kịch tính. Sau khi tăng mạnh từ 1.644 USD/ounce lên hơn 1.691 USD/ounce vào ngày 24.2, đã giảm khá mạnh trong ngày 25.2 xuống về mức thấp nhất 1.632 USD/ounce.
Trên thị trường thế giới, các nhà đầu tư đã bán chốt lời vàng khi giá tăng cao nhưng quan sát cho thấy, dòng tiền này chưa chuyển dịch sang thị trường chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán Mỹ dù đã giảm điểm khá mạnh. “Lời lỗ trong mua bán vàng rất khó dự tính được, lúc này lỗ nhưng có khi vài ngày sau lại thắng. Thế nhưng một điều mà nhiều người dân mua vàng đợt này không học được từ những đợt sóng trước, đó là vàng tăng mạnh bất thường hôm trước thì hôm sau sẽ giảm sâu tương ứng. Đợt sóng vàng hiện nay chỉ có giới kinh doanh vàng là lời lớn”, ông Hải nói
Quan sát sẽ thấy chẳng mấy nhà đầu tư có cơ hội lướt sóng kiếm lời khi công ty vàng vẫn “chơi chiêu” như thường lệ. Trong mỗi đợt sóng các tiệm vàng đều ép đầu mua xuống rất thấp và tăng đầu bán. Ví dụ, trong phiên giao dịch phi mã lên 50 triệu đồng/lượng, khoảng cách mua vào - bán ra có thời điểm lên tới 1,5 - 2 triệu đồng/lượng. Mua thấp, bán cao giúp các công ty vàng ăn lãi đậm.
Theo chuyên gia tài chính PGS-TS Ngô Trí Long, với biên độ mua - bán quá rộng, những nhà đầu tư mạo hiểm mua vào đỉnh sóng đương nhiên bị lỗ nặng. “Đợt biến động vừa qua có hiện tượng làm giá của các công ty vàng vì chênh lệch có lúc lên tới 2 triệu đồng/lượng giữa mua và bán. Có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá thế giới. Ngoài ra cũng do yếu tố tâm lý “bầy đàn” của người mua. Với diễn biến như vừa rồi việc đầu tư vào vàng tiếp là nhiều rủi ro. Vì giá càng tăng cao thì lợi nhuận càng thấp, nhà đầu tư cần phải chú trọng vào việc bảo vệ tài sản, tránh rủi ro trước khi tính đến việc có lãi”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Thực tế trong đợt sóng của vàng vừa qua, dù lượng người giao dịch có tăng lên nhưng không có cảnh chen chúc nhau mua vàng, tỷ giá cũng không sốt nóng như các thời điểm năm 2009 - 2010. Nguyên nhân vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất từ năm 2012. Chính việc này đã giúp NHNN kiểm soát được lượng cung vàng miếng trên thị trường từ đó can thiệp được vào giá theo hướng bình ổn. Thế nên, việc một số đơn vị lý giải đẩy giá lên cao vì không có vàng bán là ngụy biện.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 25.2, một lãnh đạo NHNN cho biết trong đợt biến động vừa qua, giá vàng trong nước tăng chủ yếu do tác động từ giá vàng thế giới. Hoạt động mua bán, giao dịch có tăng lên nhưng không đáng kể; không có tình trạng đầu cơ, gây áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ. Về biến động thị trường, qua theo dõi hệ thống các điểm được phép kinh doanh vàng miếng, hoàn toàn không có những giao dịch đột biến, bất thường. “Cung cầu thị trường vẫn hoàn toàn bình thường, chúng tôi vẫn chưa phải can thiệp”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Đại diện NHNN phân tích: “Nếu như trước kia mỗi lần vàng tăng giá, NHNN phải xem xét dùng ngoại tệ nhập vàng về để cân đối cung cầu, dẫn tới tỷ giá tăng theo, thì nay tỷ giá vẫn đang dao động hết sức bình thường. Từ đầu năm đến nay tỷ giá chỉ tăng có 0,2 - 0,3% là mức tăng rất nhẹ và trong biên độ. Biến động của vàng không dẫn tới các giao dịch đột biến làm tăng vọt nhu cầu, và NHNN cũng không phải can thiệp nên tỷ giá và các cán cân vĩ mô vẫn được kiểm soát ổn định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.