Sửa cống không cần đào đường

14/09/2015 05:37 GMT+7

Theo kế hoạch, ngày 15.9, các sở ngành TP.HCM sẽ tổ chức nghiệm thu và báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ sửa chữa cống thoát nước bằng công nghệ 'không đào mở' thực hiện thí điểm lần đầu tại VN.

Theo kế hoạch, ngày 15.9, các sở ngành TP.HCM sẽ tổ chức nghiệm thu và báo cáo kết quả thử nghiệm công nghệ sửa chữa cống thoát nước bằng công nghệ “không đào mở” thực hiện thí điểm lần đầu tại VN.

Các kỹ sư Nhật Bản đang thi công sửa chữa cống thoát nước tại giao lộ Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh, Q.1 theo công nghệ 'đào không mở'
Các kỹ sư Nhật Bản đang thi công sửa chữa cống thoát nước tại giao lộ Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh, Q.1 theo công nghệ "đào không mở" - Ảnh: Lai Quốc Huy
Công nghệ lót ống SPR được chuyên gia và kỹ sư Công ty Sekisui (Nhật Bản) thực hiện tại Q.1, TP.HCM do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và thử nghiệm miễn phí.
Tiết kiệm thời gian, chi phí
Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho biết trong tuần qua đã tiến hành thí điểm phương pháp sửa chữa cống thoát nước trên địa bàn TP bằng công nghệ lót ống SPR. Vị trí thí điểm là đoạn cống tròn đường kính 1.500 mm bên dưới vòng xoay Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh, Q.1. Các kỹ sư đến từ Nhật Bản trực tiếp thi công dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các sở ban ngành TP với đoạn thí điểm dài 30 m.
Với công nghệ SPR, nhà thầu không phải đào đường mà chỉ cần có hố ga để đưa thiết bị (robot) xuống. Sau đó, dùng những cuộn nhựa lõi thép đưa xuống lòng cống theo hình xoắn ốc quấn theo hình dạng của cống hiện hữu (hình tròn, vuông hoặc hình vòm), tạo thành lớp phủ bên trong lòng cống. Cuối cùng, bơm vữa chuyên dụng kết dính khe hở giữa lớp thép mới và thành cống cũ.
Theo ông Long, công nghệ thi công SPR chỉ áp dụng đối với những tuyến cống đã xuống cấp, hư hỏng nhưng không cần mở rộng khẩu độ, tiết diện. Phương áp này có rất nhiều ưu điểm so với phương pháp sửa chữa truyền thống áp dụng lâu nay. Đó là thời gian thi công rất nhanh. Như đoạn cống D1500 bên dưới vòng xoay Nguyễn Cư Trinh - Cống Quỳnh chỉ cần chưa đến một buổi là hoàn tất (việc phải thi công chậm trong 2 ngày là để các ban ngành chức năng đến quan sát, học hỏi) nên sẽ tránh được tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông do phải dựng lô cốt chắn đường trong thời gian dài. Đặc biệt, sử dụng phương pháp này sẽ không cần phải di dời các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác như dây điện, cáp viễn thông, dây thông tin, ống cấp nước... tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian xin phép cũng như hoàn tất các thủ tục di dời. Bên cạnh đó, công nghệ này còn giúp tránh được nguy cơ gây ngập úng nhà dân tại khu vực thi công như hiện nay là chặn dòng chảy làm tắc nghẽn khả năng thoát nước của cống hiện hữu.
Ông Long cho biết, nhiều tuyến đường trung tâm Sài Gòn (như Đồng Khởi, Hai Bà Trưng...) hệ thống cống vòm được xây dựng từ thời Pháp có tuổi thọ trên 100 năm đã xuống cấp nặng đang cần sửa chữa. Sử dụng công nghệ SPR trên những tuyến đường này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thoát nỗi lo “lô cốt” án ngữ ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh. Nhà nước giảm chi phí đầu tư nhưng chất lượng công trình vẫn đảm bảo.
Cần áp dụng rộng rãi
Nhận xét về công nghệ SPR, tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn cho rằng đây là giải pháp thi công sửa chữa hệ thống cống thoát nước tiên tiến, đã áp dụng ở nhiều nước. Những dự án cải tạo hạ tầng theo quy định đều đấu thầu rộng rãi, nếu đơn giá tốt và thời gian thi công nhanh thì TP nên ủng hộ ngay. Các sở ngành cần tạo điều kiện giới thiệu để công nghệ này được sử dụng rộng rãi, có sự cạnh tranh công bằng.
Nhận xét về khả năng ứng dụng của công nghệ sửa chữa “đào không mở” tại VN, PGS-TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP.HCM) đồng ý quan điểm nên áp dụng rộng rãi tại những công trình sửa chữa cống mà không phải thay đổi khẩu độ, tiết diện cống, vì công nghệ này có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên theo ông, điểm yếu lớn nhất của hệ thống thoát nước các đô thị như TP.HCM, Hà Nội... là phần lớn cống có tiết diện nhỏ, nhất là khu vực ngoại thành. Vì vậy, để chống ngập vẫn cần nhiều giải pháp kết hợp như nâng cấp và làm cống lớn hơn, xây hồ điều tiết... Tất nhiên, việc sửa chữa, tu bổ hệ thống cống thoát nước chống ngập tại TP.HCM và nhiều đô thị khác ở nước ta cũng đang có nhu cầu rất lớn.
Đơn giá chưa được tiết lộ
Về vấn đề đơn giá, một cán bộ Trung tâm chống ngập TP.HCM cho biết đến nay phía trung tâm vẫn chưa được cung cấp do mới chỉ thử nghiệm. Mặt khác, người này cho rằng theo quy định hợp tác giữa JICA và Công ty SEKISUI, đơn giá chưa được tiết lộ. Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, đây là công nghệ đặc thù riêng của Nhật và chỉ mới giới thiệu, chưa có đơn giá. Đương nhiên, theo suy đoán của ông Minh, giá rất cao, vì phải có thiết bị hoạt động phun lửa, máy nhập, vật liệu nhập, tổ chức thi công và chuyển giao công nghệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.