Tài sản hàng loạt đại gia ‘bốc hơi’ hàng ngàn tỉ đồng

Mai Phương
Mai Phương
05/01/2020 13:43 GMT+7

Kết thúc năm 2019, chỉ số VN-Index vẫn tăng được 7,7% nhưng có nhiều cổ phiếu như YEG, CTD lao dốc kéo theo tài sản các tỉ phú giảm mạnh.

Tính theo tỷ lệ, một trong những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất năm vừa qua là YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1. Từ mức giá 238.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2019 đến khi kết thúc năm, YEG chỉ còn 37.000 đồng/cổ phiếu, mất gần 85%. Điều này khiến trị giá cổ phiếu đang sở hữu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yeah1 Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cũng bốc hơi hơn 2.500 tỉ đồng. Tài sản của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống từ mức khoảng 3.000 tỉ đồng nay giảm xuống còn 480 tỉ đồng. YEG từng là cổ phiếu có giá chào sàn lập kỷ lục vào tháng 6.2018. Tuy nhiên vào tháng 3.2018, YouTube tuyên bố ngưng hợp tác với Yeah1 đã khiến cho cơn lao dốc của cổ phiếu này diễn ra liên tục.
Đứng kế tiếp là ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD). Cổ phiếu CTD năm qua giảm 68% khi từ giá 160.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 51.300 đồng/cổ phiếu. Điều này khiến giá trị tài sản tính theo cổ phiếu niêm yết của ông Nguyễn Bá Dương bay hơi 424 tỉ đồng, xuống còn 200 tỉ đồng.
Tương tự, giá trị tài sản bằng cổ phiếu của vợ chồng doanh nhân Lê Văn Quang và Chu Thị Bình tại Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú (MPC) cũng bốc hơi mạnh trong năm 2019. Cổ phiếu MPC từ giá 39.700 đồng/cổ phiếu đã tụt xuống còn 21.540 đồng/cổ phiếu khi kết thúc năm 2019, mất đi 45%. Cổ phiếu lao dốc đưa giá trị tài sản của bà Chu Thị Bình - thành viên Hội đồng quản trị MPC - từ 2.779 tỉ đồng giảm xuống còn 1.507 tỉ đồng, mất hơn 1.270 tỉ đồng trong khi giá trị cổ phiếu của ông Lê Văn Quang - chồng bà Chu Thị Bình và là Chủ tịch Hội đồng quản trị MPC - giảm từ 1.270 tỉ đồng xuống còn 689 tỉ đồng, mất đi 581 tỉ đồng. Cổ phiếu MPC giảm liên quan đến lợi nhuận của công ty đi xuống do thiếu nguyên liệu và ảnh hưởng từ thị trường Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên nếu xét về giá trị tuyệt đối thì hai tỉ phú USD trong danh sách của Forbes là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan - và ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank - là người dẫn đầu về số tiền bị sụt giảm trên sàn chứng khoán năm 2019. Cụ thể, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang giảm 5.318 tỉ đồng xuống còn 14.470 tỉ đồng, số tiền này bao gồm giá trị cổ phiếu niêm yết mà ông Quang nắm giữ trực tiếp và gián tiếp trên sàn như TCB, MSN, MCH. Ba cổ phiếu này trong năm qua đều đi xuống. Đó là cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan bị giảm 17%, từ 77.500 đồng/cổ phiếu xuống còn 56.500 đồng/cổ phiếu; MCH của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan giảm gần 19%, từ 100.840 đồng/cổ phiếu xuống 72.000 đồng/cổ phiếu và TCB cũng giảm gần 10%, từ 25.850 đồng/cổ phiếu xuống 23.550 đồng/cổ phiếu. Còn theo ghi nhận của Forbes khi kết thúc năm 2019, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang có trị giá 1 tỉ USD, giảm đi 300 triệu USD so với tháng 3.2019.
Tương tự, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch ngân hàng Techcombank - với tài sản giảm 5.284 tỉ đồng, xuống 14.898 tỉ đồng, giảm 26% trong năm qua khi các cổ phiếu mà ông và gia đình sở hữu gồm TCB, MSN đều đi xuống. Theo thống kê của Forbes, tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 1,4 tỉ USD khi năm 2019 khép lại, giảm 300 triệu USD so với thời điểm tháng 3.2019 khi lần đầu tiên Forbes ghi nhận vị tỉ phú này trong danh sách những người giàu nhất hành tinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.