Vi phạm tăng do mức xử phạt thấp
Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, hiện chúng ta đang khuyến khích DN sử dụng hóa đơn điện tử, nhà nước khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển lên DN nên khả năng các vi phạm của họ chắc chắn sẽ tăng lên do chưa quen. Do đó, mức xử phạt hành chính trong thủ tục thuế, hóa đơn cần hợp lý và thận trọng. Có thể áp dụng lộ trình để DN quen dần.
|
Theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân số vụ vi phạm thuế tăng là do mức phạt tiền thấp, chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với nghĩa vụ đăng ký thuế và khai các chỉ tiêu trên hồ sơ khai thuế. Trong khi số vụ vi phạm về hóa đơn lại ít hơn do mức phạt cao. Theo thống kê, từ năm 2014 đến 2018 số vụ vi phạm về thủ tục thuế tăng từ 34.837 vụ lên 192.174 vụ, tăng 5,5 lần; số vụ vi phạm về hóa đơn tăng từ 10.557 vụ lên 45.513 vụ, tăng 4,3 lần. Do đó cần tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế, giảm thiểu các trường hợp chậm nộp hồ sơ khai thuế trên 90 ngày với số tiền thuế trên 100 triệu đồng bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.
Đưa việc sử dụng hóa đơn vào nền nếp
TS Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Thuế, cho biết tăng mức xử phạt đối với vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn để tăng tính răn đe nhưng không phải là biện pháp cơ bản. Quan trọng nhất là làm sao việc sử dụng hóa đơn đi vào nền nếp, để bớt đi việc xử phạt. Để làm được điều này cần có chính sách khuyến khích và buộc người dân sử dụng hóa đơn. Bởi với
8 triệu doanh nghiệp (DN) hiện nay thì lực lượng cán bộ thuế không thể nào phát hiện hết được. Theo ông Tú, cùng với hình thức răn đe, những chính sách khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn sẽ làm cho nền tài chính lành mạnh hơn. Vì thế cần có chính sách khuyến khích người dân lấy hóa đơn như xổ số dự thưởng, hoặc lồng vào các chính sách minh bạch tài sản, tăng cho khấu trừ thuế, kể cả cá nhân cho trừ đi các chi phí khi tính thuế thu nhập cá nhân... Hiện nay, chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển khoản thì DN không xuất hóa đơn cũng không được vì doanh thu không thể hiện ra. Làm đồng bộ các giải pháp đó, cơ quan thuế sẽ đỡ phải xử phạt.
Thực tế, việc xử phạt hiện nay chủ yếu tập trung vào những DN lớn, còn những DN nhỏ vẫn không quản lý được. Thế mới có câu chuyện người tiêu dùng đi nhà hàng, khách sạn đòi được hóa đơn rất khó. Có nơi viện cớ kế toán đi vắng, có nơi hẹn gửi sau nhưng không gửi... dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt, nhà nước mất thuế, cơ quan thuế cũng không thể xử phạt được. Chính vì vậy theo ông Tú, mức xử phạt càng nâng cao thì sự bất công bằng càng lớn. “Làm sao tăng mức phạt nhưng đảm bảo tính công bằng, ai bị “tóm” được thì bị phạt nặng, còn những DN khác không thực hiện hóa đơn thì không bị”, ông Tú nói.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng tăng mức phạt mang tính răn đe thì DN không ngại bằng phạt sao cho đúng. Chẳng hạn, khi người bán hàng chuyển hàng cho người mua ở tỉnh, thành và xuất hóa đơn. Theo tiêu chí trên hóa đơn thì khách hàng phải ký vào, nhưng do hàng và hóa đơn đang trên đường vận chuyển đến người mua mà chưa có chữ ký, cơ quan chức năng cũng không công nhận nếu hàng bị bắt giữ. “Các quy định xử phạt nên tập trung vào những hành vi gian lận, trốn thuế ảnh hưởng đến ngân sách với mức phạt cao, chứ đừng tập trung quá nhiều vào những thủ tục nhỏ gây bức xúc cho DN khi quy định đi vào thực hiện”, luật sư Xoa nói.
Bình luận (0)