Taxi công nghệ cũng phải gắn mào?

16/07/2018 08:03 GMT+7

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), đánh giá quy định như vậy là thừa, không có ý nghĩa về mặt quản lý, chỉ mang tính hình thức.

Các chuyên gia cho rằng quy định taxi công nghệ phải gắn hộp đèn (mào) cố định trên nóc xe, gắn phù hiệu xe taxi trên kính xe... (trong dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ô tô) không những khó kiểm soát các vấn đề hiện tại mà còn làm mất đi bản chất của taxi công nghệ.
Cụ thể, theo dự thảo vừa được Bộ GTVT đưa ra lấy ý kiến, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi được phép tính cước thông qua phần mềm thay vì chỉ qua đồng hồ như hiện nay, nhưng phải có hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử” gắn cố định trên nóc xe. Với ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có phù hiệu “Xe hợp đồng”, phải niêm yết chữ “Xe hợp đồng” hoặc “Xe hợp đồng điện tử” nếu sử dụng hợp đồng điện tử. Như vậy, các xe taxi nếu sử dụng những ứng dụng đặt xe Grab hay các phần mềm tương tự (mô hình GrabTaxi) phải gắn cố định có hộp đèn mang chữ “Taxi điện tử”; nếu áp dụng trên xe hợp đồng (giống mô hình GrabCar) thì phải niêm yết chữ “Xe hợp đồng điện tử”.
Đơn vị quản lý nắm đằng chuôi, tất cả những thông tin người tiêu dùng cần cũng đã được nêu rõ, minh bạch. Việc quy định để nhận diện bằng hình thức đối với các loại taxi là không cần thiết
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM

Quy định thừa
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), đánh giá quy định như vậy là thừa, không có ý nghĩa về mặt quản lý, chỉ mang tính hình thức. Vấn đề quản lý mô hình taxi công nghệ như Grab hiện nay quan trọng nhất là đảm bảo quyền lợi cho người dùng và chống thất thu thuế cho nhà nước. Một khi đã quy định các hãng taxi công nghệ có quyền quyết định giá cước thông qua phần mềm như GrabCar hiện nay là công ty kinh doanh vận tải, vấn đề quản lý về tài xế cũng như thế đã được giải quyết ngay tại nguồn.
Trong bản dự thảo nghị định, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách phải đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm: thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải, thông tin chi tiết về lái xe, phương tiện, điểm bắt đầu/kết thúc của chuyến đi, cự ly di chuyển, thông tin giá cước...
“Đơn vị quản lý nắm đằng chuôi, tất cả những thông tin người tiêu dùng cần cũng đã được nêu rõ, minh bạch. Việc quy định để nhận diện bằng hình thức đối với các loại taxi là không cần thiết”, ông Hậu khẳng định.
Tăng tiêu cực, tăng chi phí xã hội
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, nhận định ý nghĩa của taxi công nghệ như mô hình GrabCar là kết nối các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách trong thời gian rảnh rỗi. Đây không phải là kinh doanh taxi chuyên nghiệp nên việc ép phương tiện gắn phù hiệu nhận diện là vô lý. Bản thân taxi truyền thống cũng có những dịch vụ xe không mào, nhằm phục vụ mục đích đa dạng của người tiêu dùng.
Theo ông, mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Việc gắn phù hiệu hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp.
“Đối với thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông thì nhận diện xe để làm gì? Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến nghi ngờ về tiêu cực, mãi lộ”, ông Đức đặt vấn đề.
Đi vào bản chất vấn đề, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh những quy định thừa như vậy xuất phát từ việc lúng túng trong định danh, phân loại Grab. Phải xác định đây không phải taxi truyền thống hay taxi công nghệ, cũng không đơn thuần chỉ là sự kết hợp của cả hai mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Từ đó, đưa ra những điều kiện, quy định mới nhằm phát huy những mặt tích cực mà loại hình kinh doanh này đem lại. Tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản như taxi. Áp theo khung quản lý cũ sẽ triệt tiêu hết những tiến bộ, lợi ích mà Grab đem lại cho người dùng.
Đồng quan điểm, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung: Không những không giúp ích cho công tác quản lý, quy định này thậm chí có thể còn gây tác dụng ngược, dẫn đến bất cập, tăng chi phí quản lý. Vì đa phần là phương tiện cá nhân tham gia kết nối phần mềm nên việc bắt Grab gắn cố định mào hay niêm yết logo, phù hiệu là vô lý. Còn nếu yêu cầu phương tiện trong thời gian hoạt động phải gắn bảng nhận diện thì rất khó kiểm soát xem phương tiện có chịu dán phù hiệu khi hoạt động hay không. Nhà nước sẽ phải tốn thêm chi phí cho lực lượng thanh tra sát sao, hoặc phải gắn con chíp để kiểm soát, nguy cơ làm tăng chi phí quản lý, dẫn đến tăng chi phí xã hội.
Nhà nước chỉ cần quan tâm quản lý để đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả cạnh tranh và xác suất doanh nghiệp trốn thuế là ít nhất. Các vấn đề về hình thức không cần quy định quá sâu, dẫn đến thừa thãi hoặc gây tác dụng ngược.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.