Sử dụng năng lượng chưa hiệu quả
Tại Diễn đàn kinh tế Việt - Pháp lần thứ 8 diễn ra tại Quảng Ninh hôm qua 17.11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Bích Đạt cho biết, trong gần 20 năm qua, tiêu thụ năng lượng sơ cấp ở VN tăng gấp 2,56 lần (tổng tiêu thụ khoảng trên 50 ngàn triệu tấn dầu quy đổi - KTOE), tiêu thụ năng lượng cuối cùng tăng khoảng 2,43 lần (khoảng 40 – 41 ngàn KTOE), tiêu thụ điện năng (thương phẩm) tăng gấp 10,7 lần (khoảng 66 tỉ kWh trong năm 2008). Theo các chuyên gia, hiện nay về cơ bản vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn năng lượng truyền thống như than, dầu mỏ và khí thiên nhiên, thủy điện. Các nguồn năng lượng này đang cạn dần, khả năng đáp ứng nhu cầu quá trình phát triển kinh tế xã hội ngày càng hạn chế.
Vì thế, bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, vấn đề sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đang được đặt ra một cách bức thiết. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Bích Đạt, việc sử dụng năng lượng ở VN còn chưa tiết kiệm và kém hiệu quả. Ông Đạt nói: “Công nghệ khai thác, chuyển hóa và sử dụng năng lượng ở VN đã được nâng cấp song còn ở trình độ thấp, hiện nay vẫn còn sử dụng một số thiết bị cũ có hiệu suất thấp, có những lò hơi công nghiệp thời kỳ những năm 1970 của thế kỷ trước. Hệ thống chuyên tải và phân phối điện đã được phát triển nhanh nhưng vẫn còn những khu vực phải duy trì những thiết bị đã xuống cấp, lạc hậu, hao tổn điện năng lớn. Tỷ lệ tổn thất chuyên tải và phân phối điện từ 20% năm 1995 đã giảm đáng kể song vẫn còn khá cao, năm 2008 còn 9,35%”.
8 nguồn năng lượng tái tạo
“Nhà nước khuyến khích việc khai thác, sử dụng năng lượng mới và tái tạo thông qua việc hỗ trợ kinh phí cho các chương trình điều tra, nghiên cứu, chế tạo thử, xây dựng các điểm điển hình sử dụng năng lượng mới tái tạo, miễn thuế nhập khẩu, thuế sản xuất, lưu thông các thiết bị, công nghệ năng lượng mới và tái tạo” - Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. |
Theo ông Bùi Huy Phùng - nghiên cứu viên cao cấp (Viện Khoa học và Công nghệ VN), tiềm năng khai thác thủy điện nhỏ ở nước khoảng 4.000 MW; gió: 8.700 - 100.000 MW; năng lượng mặt trời: 4 - 5 kWh/ngày; thủy triều: trên 100 MW; địa nhiệt: 300 - 400 MW... Nếu khai thác hợp lý, chắc chắn đây sẽ là nguồn năng lượng bổ sung không nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Phùng, hiện mới chỉ có 5 loại năng lượng tái tạo đã được khai thác để sản xuất điện (thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, năng lượng mặt trời và năng lượng gió) với tổng công suất lắp đặt vào khoảng 1.250 MW. Sản lượng điện hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 2% tổng lượng điện sản xuất. Bên cạnh đó, cả nước đã xây dựng được khoảng 100 ngàn công trình khí sinh học, chủ yếu là loại quy mô gia đình từ 5 - 10 mét khối và trên 20 ngàn thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời đun nước nóng.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, VN sẽ ưu tiên phát triển năng lượng mới theo hướng tập trung vào thủy điện nhỏ, điện gió, sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp, rác thải để phát điện, sử dụng năng lượng mặt trời để cấp nhiệt, sấy nông sản, lọc nước sạch trong các cơ sở dịch vụ công cộng, dân dụng và trong nông nghiệp, phát triển các hầm khí sinh học để đun nấu tại nông thôn hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010 và 11% vào năm 2050.
Bùi Trần
Bình luận (0)