Thu tỉ USD từ xuất khẩu điều

Nguyên Nga
Nguyên Nga
21/05/2018 04:38 GMT+7

Xuất khẩu hạt điều trong 4 tháng đầu năm đã mang về cho VN hơn 1 tỉ USD, tăng hơn 35% về giá so cùng kỳ - mức tăng giá kỷ lục của ngành điều.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá điều xuất sang một số thị trường lớn đều tăng. 4 tháng đầu năm, giá điều bình quân sang thị trường Pháp đạt hơn 11.114 USD/tấn, tăng 3,4% so với mức giá cuối tháng 4.2017. Tương tự, xuất sang Mỹ đạt 38.500 tấn, có trị giá hơn 388 triệu USD, tăng hơn 33% về lượng và tăng hơn 39% về trị giá. Các thị trường lớn của hạt điều VN như Mỹ, Đức, Thái Lan, Nga... đều có mức tăng trưởng đến 2 con số so cùng kỳ.
Giá xuất khẩu tăng nên giá thu mua tại vùng nguyên liệu điều cũng tăng. Cụ thể, giá điều thu mua tại rẫy từ 38.000 - 42.000 đồng/kg, tại một số thời điểm hết hàng, điều loại 1 mua tại rẫy có giá trên 45.000 đồng/kg, mức tăng gần gấp đôi so với giá cách đây hơn 3 năm.
Liên tục trong 11 năm qua, VN luôn là quốc gia dẫn đầu thế giới về chế biến, xuất khẩu nhân điều. Năm 2017, xuất khẩu điều của VN đạt 3,62 tỉ USD, chiếm thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều toàn cầu. Xuất nhiều nhưng giá trị chúng ta thu được thực chất không bao nhiêu do phải nhập khẩu nguyên liệu thô. Theo Hiệp hội Điều VN (Vinacas), 65% nguyên liệu điều thô của VN phải nhập từ các quốc gia khác, chủ yếu từ Nigeria, Campuchia, Ấn Độ… Năm 2017, khoảng 1,5 triệu tấn điều thô (chiếm hơn 80% tổng nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp (DN) là từ nhập khẩu. Phụ thuộc nhiều nguyên liệu nước ngoài khiến DN chế biến điều trong nước chịu không ít rủi ro. Tại hội thảo gần đây, một DN chuyên giám định chất lượng điều nhập thông tin, trong mùa vụ 2017, hiện tượng điều thô nhập kém chất lượng, ẩm, mốc, pha tạp chất... từ thị trường châu Phi xảy ra khá cao, tỷ lệ tổn thất lên đến 30%.
Đáng nói là trong khi nhiều loại nông sản tăng diện tích, riêng ngành điều đang giảm 4% mỗi năm trong gần 10 năm qua. Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT, diện tích trồng điều của VN giảm từ 440.000 ha xuống còn 290.000 ha trong giai đoạn 2007 - 2015. Bên cạnh đó, năng suất trồng trọt của ngành cũng bị đánh giá là “không được cải thiện đáng kể”. Ngoài việc tăng diện tích, việc cấp bách của ngành điều theo các chuyên gia, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu giống điều có năng suất cao, xây dựng các vùng chuyên canh để ngành này thực sự "có miếng" chứ không chỉ có tiếng như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.