Thúc tiến độ “siêu sân bay” Long Thành

Mai Hà
Mai Hà
17/06/2020 06:17 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải giải ngân hết 23.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành .

Sức ép từ phía Chính phủ được đưa ra sau khi tiến độ giải ngân cho siêu dự án này đang chậm, khó đảm bảo kế hoạch, đặc biệt là mục tiêu khởi công Long Thành vào tháng 5.2021.

Chậm chạp giải phóng mặt bằng

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ phải có văn bản đốc thúc tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) sân bay Long Thành. Trước đó, cuối tháng 4, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai hoàn thành giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng, hoàn thành cơ bản GPMB sân bay Long Thành trong năm 2020, kịp khởi công dự án đầu năm 2021. Lý do việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án sân bay Long Thành còn chậm so với yêu cầu.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, việc triển khai thiết kế kỹ thuật hạng mục san nền dự án sân bay Long Thành sẽ bắt đầu vào tháng 7.2020. Dự kiến khởi công vào tháng 5.2021. Thời gian hoàn thành thi công xây dựng tất cả các hạng mục là tháng 12.2025.
Dự án GPMB do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư có phạm vi 5.000 ha, phải thu hồi đất của 17 tổ chức, 5.283 hộ gia đình và di dời 3 nghĩa địa tập trung. Báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết với dự án thành phần GPMB sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đang tập trung việc triển khai 2 khu tái định cư phục vụ di dời dân cư và kiểm đếm, áp giá, bồi thường 1.165 ha để bàn giao cho Bộ GTVT xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay tiến độ GPMB chậm, khó đảm bảo theo kế hoạch, vẫn còn 151 hộ dân chưa xác định được chủ sở hữu nên khó khăn trong công tác triển khai. Riêng với các khu tái định cư, vẫn còn 3/5 dự án thành phần chưa được phê duyệt nên tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Đồng Nai, lũy kế tính đến hết tháng 5.2020, địa phương này mới giải ngân được 1.242 tỉ đồng, trong khi kế hoạch giao năm 2020 là 17.000 tỉ đồng. Đồng Nai cũng cho biết, việc GPMB, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn gặp khó khăn do giá đất cụ thể để bồi thường còn thấp so với giá thị trường, nhiều hộ gia đình chưa thực hiện được kiểm đếm do sai thông báo thu hồi đất, không xác định được chủ sử dụng…
Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đất vắng chủ do dự án được quy hoạch kéo dài hơn 20 năm nay, phát sinh đất mua qua bán lại, gây khó khăn trong xác định chủ đất.
Trong đó, với 5.000 ha đất dự án, tỉnh Đồng Nai mới hoàn thiện hồ sơ, trình thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi trả với các hộ gia đình còn lại thuộc khu vực ưu tiên 1.810 ha. Đến nay đã hoàn tất công tác kiểm đếm 1.028 hộ dân, việc chi trả tiền bồi thường dự kiến hoàn thành trong quý 2/2020. Với khu vực 3.190 ha còn lại, đất do Tổng công ty cao su Đồng Nai quản lý là 531 ha, đất của 17 tổ chức (8 doanh nghiệp, 3 cơ sở tôn giáo, 6 trụ sở cơ quan) là 126 ha, còn lại là đất của hơn 4.300 hộ gia đình, cá nhân và đất giao thông, sông suối, nghĩa trang… Hiện Đồng Nai mới hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ cho các cơ sở, chưa xong công tác kiểm đếm với các hộ gia đình, cá nhân.

Trễ Long Thành, Tân Sơn Nhất "khổ"

Không riêng dự án GPMB do Đồng Nai làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, dự án xây dựng sân bay Long Thành cũng đang chậm hơn so với kế hoạch. Báo cáo nghiên cứu khả thi Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo tiến độ phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định đầu tư trong tháng 3.2020. Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 6.2020, Hội đồng thẩm định nhà nước mới trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư. Như vậy, tiến độ thẩm định và trình duyệt dự án đã chậm hơn 3 tháng so với yêu cầu của Chính phủ.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), đơn vị này đã hoàn tất cơ bản các bước chuẩn bị, trong trường hợp được giao thực hiện dự án, ACV có thể triển khai ngay. Tuy nhiên, do dự án chưa được trình và phê duyệt, các bước tiếp theo về lựa chọn nhà đầu tư cũng chưa được quyết định.
Ông Thanh cũng cho hay, trong trường hợp dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chậm triển khai, áp lực lên sân bay Tân Sơn Nhất là rất lớn. “Theo quy hoạch, sân bay Long Thành sẽ chia sẻ khách cho Tân Sơn Nhất, nhưng nếu chậm thì Tân Sơn Nhất trong vài năm tới sẽ phải gánh lượng khách rất lớn. Theo dự báo, sân bay Tân Sơn Nhất công suất tối đa là 50 triệu khách/năm, chỉ “gánh” đến cực hạn hơn 55 triệu khách/năm, trong khi dự báo đến năm 2025 sẽ lên tới 65 - 75 triệu lượt khách/năm. Long Thành chậm ngày nào, thị trường sẽ bị ảnh hưởng ngày đó”, ông Lại Xuân Thanh nói.
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định GPMB vẫn là nút thắt lớn với các dự án hạ tầng trọng điểm. “Các địa phương chịu trách nhiệm chính với hợp phần GPMB, tuy nhiên tiến độ thường xuyên chậm vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là giá đền bù và giá thị trường chênh lệch quá nhiều, khiến người dân không đồng thuận, chây ì gây sức ép, gây khó cho cơ quan GPMB. Đây là lý do trong lập dự án GPMB gồm cả bồi thường, đền bù, hỗ trợ tái định cư, các địa phương cần làm cuốn chiếu, dứt điểm với từng hợp phần, tránh tình trạng người đền bù sau được cao giá hơn người đền bù trước, gây khiếu nại kéo dài”, ông Doanh nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh việc thúc tiến độ GPMB với UBND tỉnh Đồng Nai, Hội đồng thẩm định cũng cần sớm trình Chính phủ để phê duyệt dự án, triển khai nhanh các công đoạn tiếp theo, tránh tình trạng "treo" dự án chỉ vì chậm trễ thủ tục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.