Nguồn tin của Thanh Niên cho biết Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã chấp thuận cho phía Tổng thầu là Liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) chỉ định tư vấn độc lập nhằm hỗ trợ điều tra sự cố rớt gối cao su trên dầm cầu cạn VD14-10 và gối cao su tại trụ VD12 - 34 nằm ở khu vực trụ cầu đoạn trước ga Bình Thái và ga Thủ Đức thuộc gói thầu CP2, đoạn trên cao tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên).
Thành phần của tổ tư vấn độc lập gồm các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và đơn vị tư vấn đến từ Pháp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia vẫn chưa thể có mặt đầy đủ tại Việt Nam để hỗ trợ công tác điều tra. Trong thời gian này, các chuyên gia thuộc Tổ kiểm tra độc lập rà soát nguyên nhân sự cố mà TP đã thành lập ngay sau khi MAUR phát hiện gối cầu đầu tiên có vấn đề, sẽ tiếp tục hỗ trợ Ban Quản lý đường sắt đô thị và SCC điều tra nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết.
Hiện nay, phía Tổng thầu đã có báo cáo cho biết trong tổng số 1.138 gối cầu thuộc gói thầu CP2, đơn vị này đã kiểm tra được khoảng 75%.
Liên quan đến sự khác biệt giữa trọng lượng 2 gối cầu EB1 và EB4 thực tế so với hồ sơ đã được duyệt mà MAUR yêu cầu giải đáp, SCC cho biết: Về mặt thiết kế, gối cầu được thiết kế tuân theo tiêu chuẩn Nhật Bản DSCRC, quy định tuổi thọ chung cho kết cấu là 100 năm. Tên loại gối EB1 và EB4 được định nghĩa cho việc áp dụng trên các loại nhịp. Việc đặt tên dựa trên kích thước gối và kích thước của thanh chống xô. Gối EB1 và EB4 sử dụng chính xác cùng loại gối cao su, sự khác nhau giữa hai gối chỉ là đường kính của thanh chống xô trên đầu có thể di chuyển của nhịp: EB1 sử dụng thanh chống xông đường kính 85 mm, trong khi EB4 sử dụng thanh chống xô đường kính 90 mm.
“Với loại gối cao su, kích thước và kết cấu của gối sử dụng trong loại EB1 và EB4 là hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, với cùng loại cấu tạo và tính chất của loại vật liệu, gối cho hai loại này có cùng khả năng chịu tải" - văn bản của SCC nêu rõ.
Trước đó, trả lời báo chí tại buổi kiểm tra hiện trường ngày 11.11, ông Shigeki Ihara – Giám đốc dự án Liên danh Sumitomo - Cienco6, cho biết sự cố gối cao su bị rơi khỏi cầu cạn là lần đầu tiên thấy nhưng ông đánh giá vấn đề này nhỏ và trong vòng một tháng sẽ tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên đến nay, các đơn vị liên quan vẫn chưa đưa ra được kết luận chính thức.
Một chuyên gia về đường sắt cho biết sự cố lệch dầm cầu nếu chỉ xuất hiện tại 1 vài vị trí có thể nhanh chóng khắc phục. Tuy nhiên, nếu xảy ra trên toàn hệ thống sẽ cực kỳ nguy hiểm vì dẫn đến nguy cơ phải sửa lại toàn bộ 1.138 gối cao su, kéo theo làm lại mố trụ, dầm cầu, thời gian nhanh cũng phải mất 6 tháng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ "về đích" của dự án.
Bình luận (0)