Theo ông Nguyễn Hữu Thụ, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Bình Thuận), sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (Vietnam Good Agricultural Practices - thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở VN) là nhiệm vụ “sống còn”, bảo đảm sự phát triển bền vững của trái thanh long Bình Thuận. Sản xuất thanh long VietGAP không chỉ giữ uy tín cho thương hiệu thanh long Bình Thuận mà còn khẳng định nguồn gốc, xuất xứ của loại trái cây được ưa chuộng này tại các thị trường khó tính ở nước ngoài.
|
|
Bà Nguyễn Thị Mai, một nông dân tại xã Hàm Mỹ, cho hay ban đầu gia đình bà cũng trồng 2.000 trụ thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng sau một thời gian áp dụng thì mô hình này không mang lại lợi nhuận như mong đợi. "Giá cả cũng tương tự như thanh long truyền thống. Tất cả đều bán cho thương lái Trung Quốc và họ không phân biệt sản xuất theo phương thức gì hết", bà Mai nói.
Tương tự, ông Lê Văn Bảy (cùng ngụ xã Hàm Mỹ) cho biết vườn nhà ông được chứng nhận VietGAP cách nay 3 năm, hiện đã hết hạn nhưng ông không muốn gia hạn thêm. “Làm VietGAP rất nhọc công, phải ghi chép nhật ký hằng ngày, chi phí cao. Trong khi đó sản phẩm bán ra thương lái không hề phân biệt, giá cả như nhau nên tôi không cần làm VietGAP nữa vì nếu thuê nhân công nhiều sẽ lỗ nặng”, ông Bảy giải thích.
Theo Trung tâm nghiên cứu và phát triển thanh long Bình Thuận (đơn vị được Sở NN-PTNT giao hướng dẫn nông dân làm thanh long VietGAP), trong 6 tháng đầu năm 2016, cả tỉnh chỉ cấp chứng nhận VietGAP được 115 ha. Toàn tỉnh hiện nay chỉ có 8.055/27.000 ha trồng thanh long được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 1.515 ha hết hiệu lực từ tháng 6.2016, nay bà con nông dân không tham gia nữa. “Hiện toàn tỉnh không có doanh nghiệp nào thu mua thanh long VietGAP. Do vậy, hầu hết bà con, dù đã được cấp chứng nhận, cũng bỏ theo dõi nhật ký hằng ngày (một tiêu chí bắt buộc khi sản xuất VietGAP) theo quy định. Số lượng nông dân tham gia các lớp học về VietGAP giảm hẳn so với những năm trước đây. Nếu có tham gia, chỉ để đối phó hoặc tìm chính sách nào có lợi để được thụ hưởng, chứ không thực sự muốn làm VietGAP”, một cán bộ trung tâm này nói.
“Bó tay” với bệnh đốm nâu
Ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 5.700 ha thanh long bị bệnh đốm nâu (còn gọi là bệnh tắc kè hay đốm trắng). Bệnh này rải đều các huyện nhưng chủ yếu tập trung tại "thủ phủ" thanh long là huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình. Đây là bệnh trên cành và trái thanh long, cho tới thời điểm này không hề có thuốc nào chữa trị được. Bệnh đốm nâu chỉ xuất hiện vào mùa mưa, càng mưa nhiều thì bệnh càng lan nhanh.
Hiện tại Bộ NN-PTNT đang thành lập một ban chuyên nghiên cứu bệnh đốm nâu trên cây thanh long với nhiều nhà khoa học và tổ chức tham gia. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị căn bệnh này. Bệnh đốm nâu làm cho cành thanh long thối mục, trái thanh long lốm đốm như nấm nên thương lái không thu mua. Thiệt hại từ bệnh đốm nâu cho nhà vườn là rất lớn.
|
Bình luận (0)