Tỉ phú hoa kiểng nhiều lắm...

23/06/2016 07:29 GMT+7

Đó là lời khẳng định của bà Lê Thị Kim Chi, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thành, H.Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).

Xã Vĩnh Thành có trên 17.000 dân, trong đó 80% sống bằng nghề trồng hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái và rất nhiều hộ có thu nhập tiền tỉ mỗi năm
“Mặc dù xã có diện tích canh tác bình quân thấp nhất huyện, dân số đông, nhưng thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Thành cao hơn mức thu nhập bình quân của huyện. Dân giàu bây giờ nhiều lắm. Một công đất ở đây mỗi năm có thể thu nhập vài trăm triệu đồng và hộ nông dân giỏi, có thu nhập tiền tỉ thì ấp nào cũng có”, bà Lê Thị Kim Chi cho biết.
Đổi đời nhờ hoa kiểng
Theo nghệ nhân Trần Minh Mẫn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh H.Chợ Lách, nghề trồng hoa và ươm cây giống đã có mặt ở Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) từ khi những nhà truyền giáo phương Tây đến mang theo giống hoa từ nước Pháp và dạy cho giáo dân cách trồng chăm sóc hoa, ươm ghép cây kiểng. Không cần nhiều đất, chỉ vài trăm mét vuông quanh nhà là có thể trồng và giá trị sản xuất của hoa kiểng, cây giống cao hơn bất kỳ loại cây ăn trái nào khác. Với 2.500 hộ trồng hoa kiểng và cây giống, trung bình mỗi năm người dân Cái Mơn cung ứng cho thị trường khoảng 5 - 6 triệu sản phẩm các loại. Nhiều nhất là các ấp Bình Tây, Tây Lộc, Vĩnh Đông, Vĩnh Nam, Vĩnh Chính...


Nhờ trồng hoa kiểng mà hơn 10 năm nay đời sống của người dân Cái Mơn đã phất lên, người giàu ngày càng nhiều, mặc dù là vùng nông thôn nhưng không thua gì thành thị


Nghệ nhân Trần Minh Mẫn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh H.Chợ Lách (Bến Tre)


“Ở xứ Cái Mơn này chỉ cần chịu khó thì mau giàu lắm. Mỗi năm, hộ có thu nhập tiền tỉ ngày càng nhiều, còn hộ thu nhập vài trăm triệu đồng thì hằng hà sa số. Nhiều hộ đổi đời nhờ hoa kiểng và cây giống có thể kể đến như ông Bảy Sâm ở ấp Bình Tây. Xưa gia đình ông canh tác 5 công ruộng, thu nhập từ cây lúa không khá nổi nên chuyển sang ươm cây giống. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập khoảng 2 tỉ đồng. Cái hay của ông Sâm là luôn tìm những giống mới, lạ, bán giá cao nên lợi nhuận cao. Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, gia đình ông đưa ra thị trường khoảng 10.000 giỏ hoa tươi các loại”, ông Mẫn cho biết.
Trường hợp của anh Hoàng Trọng cũng là một điển hình biết cách làm giàu. Trước đây, gia đình làm ruộng, nghèo, nhà cửa lụp xụp, nên anh phải đi làm mướn quanh năm. Nhưng sau mấy năm làm mướn ở Thủ Đức, anh Trọng đã học được cách ghép mai vàng rồi trở về nhà tự trồng mai vàng và kinh doanh. Hiện anh là một trong những “đại gia” của ngành cây kiểng, mai vàng ở Cái Mơn. Mỗi gốc mai của anh có giá từ trăm triệu đồng trở lên. Tương tự là anh Trần Văn Thanh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Vĩnh Thành. Khi cưới vợ và ra riêng với hai bàn tay trắng, được gia đình cho 2 công đất, anh miệt mài cải tạo thành vườn trồng hoa kiểng và chỉ sau 5 năm đã cất được căn nhà hơn một tỉ đồng.
Biến củi thành kiểng


Truyền nghề kiểng thú
Mỗi năm, cơ sở của ông Công làm ra vài trăm sản phẩm kiểng thú, kiểng hình các loại, đồng thời ông cũng truyền nghề lại cho hơn 40 hộ ở xung quanh, tạo thành một khu vực chuyên làm kiểng hình, kiểng thú. “Làm nghề tạo hình cây kiểng trước tiên là phải ham thích và kiên trì, vì thường phải mất vài năm mới bán được và có thu nhập. Đặc biệt là phải có năng khiếu, thẩm mỹ mới cắt tỉa, uốn tạo ra những cây kiểng đẹp, độc và lạ”, ông Công nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Công (69 tuổi, ngụ ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, H.Chợ Lách) đang là người duy nhất trong vùng trực tiếp đưa cây kiểng xuất ngoại. Gia đình có 3 ha đất nhưng lúc đầu ông chỉ trồng cây ăn trái và hoa tết, sau đó mày mò tạo hình cây kiểng thú. Đầu tiên ông làm kiểng con rồng, rồi tiếp tục cho ra đời bộ 12 con giáp. Thấy bán được giá cao, ông chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn sang trồng các loại cây sanh, si, sộp... để lấy nguyên liệu làm kiểng hình, kiểng thú. Hiện ông chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng nhiều lúc làm không kịp. Từ ấm trà, bình hồ lô, nhà lục giác, xe ngựa, cá heo, khủng long, hươu cao cổ... khách đặt gì ông làm nấy. Ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, ông còn xuất khẩu sang Singapore và Campuchia.
“Khoảng 8 năm trước, nghe tiếng về sản phẩm của tôi, có ông khách từ Singapore tìm đến xem rồi đặt hàng và từ đó đến nay mỗi năm ông đều đặt mua 3 đợt. Khi tôi làm xong, khách cho xe đến tận nơi nhận hàng rồi xuất theo đường biển. Sau đó, tôi cùng với một hoặc hai người thợ trực tiếp sang Singapore để lắp ráp cho khách. Lần đầu “xuất ngoại” tôi phải lưu lại 10 ngày để hoàn thành sản phẩm, những lần sau thì mỗi đợt đi khoảng 4 ngày. Giá bán cho khách nước ngoài cũng không chênh lệch nhiều nhưng khách lo toàn bộ phí vận chuyển cùng chi phí ăn, ở, đi về. Còn xuất sang Campuchia thì không phải đến tận nơi để lắp ráp”, nghệ nhân Nguyễn Văn Công chia sẻ.
Còn theo nghệ nhân Trần Minh Mẫn, với người có óc thẩm mỹ, biết chơi thì cây củi cũng có thể biến thành kiểng có giá trị. “Nhờ trồng hoa kiểng mà hơn 10 năm nay đời sống của người dân Cái Mơn đã phất lên, người giàu ngày càng nhiều, mặc dù là vùng nông thôn nhưng không thua gì thành thị. Nhưng làng hoa Cái Mơn bây giờ không còn chỉ riêng xã Vĩnh Thành nữa mà lan rộng ra ở nhiều xã xung quanh, tạo thành một vùng rộng lớn chuyên trồng và kinh doanh hoa kiểng”, nghệ nhân Mẫn tự hào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.