Tiên phong triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin

02/11/2020 08:00 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, tại hội thảo “Nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số” do EVNHCMC tổ chức ngày 30.10 tại TP.HCM.

Công nghệ chưa phải là tất cả

Phát biểu tại hội thảo, ông Huy Dũng nhận xét: “Có thể nói, ngành điện nói chung, Điện lực TP.HCM nói riêng đã quan tâm đến chuyện số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của doanh nghiệp.
EVNHCMC là một trong những đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã xác định nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) từ rất sớm, tiên phong xây dựng kế hoạch triển khai CĐS. Khi triển khai thành công CĐS sẽ giúp EVNHCMC nâng cao hiệu quả, giảm chi phí hoạt động, thấu hiểu khách hàng nhiều hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Tuy vậy, ông Dũng cũng cho rằng việc CĐS vấp phải rất nhiều khó khăn chứ không đơn giản có tiền mua công nghệ hiện đại là xong. Ông Dũng đã lấy hành trình con kén lột xác đau đớn dai dẳng để rồi hóa kiếp thành con bướm tung cánh bay cao trong nắng gió để minh họa cho quá trình thực hiện CĐS cũng gian nan như vậy. Đồng thời, vị chuyên gia đến từ Cục Tin học hóa cũng nhận định công nghệ không phải là tất cả khi thực hiện CĐS.
Ông Nguyễn Văn Thanh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai CĐS là việc đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. Cần đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém về phát triển trong kỷ nguyên số để thay đổi tư duy, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện. Mỗi CNVC-LĐ của EVNHCMC phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường sống, làm việc, với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Hội thảo này là cơ hội để chúng tôi tiếp nhận các ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các cơ quan, các chuyên gia, từ đó triển khai Chương trình CĐS được hiệu quả nhất”, ông Thanh thể hiện mong muốn.

“Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” là động lực phấn đấu

Ông Nguyễn Huy Dũng - Ảnh: CHI LAN
Ông Nguyễn Huy Dũng - Cục trưởng Cục Tin học, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo

Ảnh: CHI LAN

“Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất, dựa trên công nghệ số”
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông. 
Với những thành quả đạt được trong công tác thực hiện CĐS, ngày 18.10 vừa qua EVNHCMC đã được Hội Truyền thông số Việt Nam trao giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc”. Trước đó, năm 2019 EVNHCMC cũng đã xuất sắc nhận được giải thưởng Công nghệ thông tin và truyền thông TP.HCM lần thứ 11 - hạng mục Đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu. Có thể nói, đây là những ghi nhận cho nỗ lực và thành quả của EVNHCMC đạt được, là động lực để đơn vị này phấn đấu hoàn thành xuất sắc công tác CĐS.
Thực tế CNTT đã tự động hóa các nghiệp vụ, làm tăng năng suất lao động, đồng thời tiết kiệm chi phí cho EVNHCMC. Khó có thể định lượng chính xác nhưng ước tính đơn vị này đã tiết kiệm được hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Hoặc việc ứng dụng chatbot đã nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc khách hàng. Lũy kế cả năm 2019, tỷ lệ giải quyết trực tuyến đạt 99,95% yêu cầu dịch vụ khách hàng...
Ông Lê Chí Dũng, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin EVNHCMC, cho biết: “Sau khi thực hiện CĐS, hầu hết các dịch vụ điện đều thực hiện trực tuyến, khách hàng ở bất kỳ đâu cũng có thể giao dịch được. Hiện nay EVNHCMC vận hành toàn bộ hệ thống điện từ xa, nhờ vậy đa số các trường hợp mất điện có thể được phát hiện, xử lý, tái lập điện rất nhanh, thậm chí chỉ trong vòng vài phút”.
Có thể nói, các ý kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia tại hội thảo đã gợi mở cho EVNHCMC nhiều ý tưởng mới trong khai thác tài nguyên do việc thực hiện CĐS mang lại, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, phục vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.