Tiêu hủy hơn 8.000 m3 gỗ rừng bằng cách để... tự mục nát!

06/03/2020 07:11 GMT+7

Không chỉ mất không lượng gỗ rừng khổng lồ, UBND tỉnh Bình Phước còn phải xuất ngân sách 11 tỉ đồng trả lại doanh nghiệp đã khai thác số gỗ này!

Chiều 5.3, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị thông tin cho báo chí về tình hình kinh tế xã hội trong tỉnh, trong đó có nội dung giải thích việc cho tiêu hủy trên 8.000 m3 gỗ với lý do gỗ… tự mục nát.

Gỗ nằm lại vì lệnh “đóng cửa” rừng?!

Bà Phạm Thị Ánh Hoa, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, cho biết từ tháng 1.2016 UBND tỉnh ký kết hợp đồng với 4 doanh nghiệp (DN) để khai thác tận dụng lâm sản được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Vị trí khai thác tại Nông lâm trường Đắk Mai (H.Bù Gia Mập), lâm phận thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết (H.Lộc Ninh), tiểu khu 389 và tiểu khu 363 (H.Đồng Phú; tất cả thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước); thời hạn khai thác từ tháng 1 - 8.2016.

4 năm, vẫn đang xử lý vụ phá 575 ha rừng     

 
Cũng tại cuộc họp, PV Thanh Niên đề nghị UBND tỉnh Bình Phước thông tin về kết quả xử lý vụ “Phá 575 ha rừng… để chăn nuôi” ở H.Bù Đốp và ở H.Đồng Phú mà báo đã phản ánh từ năm 2016. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, nói: “Vụ phá rừng ở H.Đồng Phú thì đã xử lý kỷ luật rồi, 4 - 5 kiểm lâm bị kỷ luật. Cán bộ Công ty cao su Bình Phước cũng bị kỷ luật hết. Còn 575 ha rừng ở H.Bù Đốp thì cơ quan pháp luật của Bình Phước đang báo cáo, chờ xem xét để xử lý”. 
“Trong quá trình các DN đang tổ chức khai thác gỗ thì Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo ngừng thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, kể cả các dự án đã được phê duyệt và không chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp. Do đó, UBND tỉnh Bình Phước tạm dừng tất cả các dự án đang triển khai”, bà Hoa cho hay.
Cũng theo bà Hoa, tính đến thời điểm “đóng cửa” rừng, tổ công tác liên ngành do UBND tỉnh Bình Phước thành lập đã kiểm kê được số lượng trên 8.000 m3 gỗ đã được khai thác nhưng chưa vận chuyển ra khỏi rừng, kể cả số gỗ đã bị cưa, chặt... Trong tổng số này, có 591 m3 gỗ từ nhóm 2 đến nhóm 4 (chiếm 7,3%); còn lại là gỗ tạp từ nhóm 5 đến nhóm 7 (chiếm 92,7%).
Trong khi đó, theo hồ sơ mà PV Thanh Niên thu thập được, vào tháng 5.2018, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục thành lập tổ kiểm kê số lượng gỗ đã được khai thác nhưng chưa vận chuyển ra khỏi rừng. Tổ kiểm kê đã xác định trên 6.500 m3 gỗ đã bị mục nát hoàn toàn không sử dụng được. Còn lại trên 1.500 m3 gỗ còn giá trị sử dụng (từ 15 - 40%) thì UBND tỉnh Bình Phước giao cho Công ty cao su Bình Phước vận chuyển về bãi tập kết của công ty để thực hiện bán đấu giá thu hồi tài sản cho nhà nước. Sau đó, Công ty cao su Bình Phước giao lại cho Công ty TNHH Phát Lộc vận chuyển về bãi tập kết của công ty này ở TP.Đồng Xoài (Bình Phước).
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, nói: “Khoảng 1.500 m3 gỗ đưa về bãi tập kết, Công ty cao su Bình Phước đã nhiều lần tổ chức bán đấu giá nhưng không có người mua. Đến nay thì số gỗ này đã bị mục nát hoàn toàn không thể sử dụng được”.

... và bãi gỗ hiện nay thuộc diện tiêu hủy

Ảnh: H.G

Hơn ngàn khối gỗ bỗng dưng bị cháy?

Trong khi đó, theo người dân sinh sống gần bãi tập kết của Công ty TNHH Phát Lộc (xã Tân Thành, TP.Đồng Xoài) tại khu vực tập kết 1.500 m3 gỗ đã bị bốc cháy từ tối 25.2. Đến ngày 28.2, khi PV Thanh Niên trở lại hiện trường thì gỗ đã bị cháy thành tro, chỉ còn khoảng vài chục mét khối chưa bị cháy. Một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho biết: “Từ 25 - 28.2, lực lượng PCCC không nhận được cuộc gọi báo cháy tại khu vực này. Nhiều khả năng thông tin cháy đã bị giấu”.
Liên quan đến số lượng trên 6.500 m3 khối gỗ còn nằm ở trong rừng, ngày 30.12.2019 UBND tỉnh Bình Phước có văn bản chấp thuận chủ trương cho tiêu hủy bằng hình thức để cho gỗ tự mục nát ở trong rừng, theo đề nghị của Sở Tài chính và Sở NN-PTNT... Ngày 1.7.2019, UBND tỉnh Bình Phước có văn bản chấp thuận trả lại cho 4 DN trực tiếp mua gỗ tận thu, gồm: Tổng công ty nông nghiệp VN, Công ty TNHH MTV Công Thành, Công ty TNHH MTV Phát Lộc và Công ty TNHH TMDV Hồng Phúc với tổng số tiền trên 11,16 tỉ đồng. Vì sao phải trả tiền lại cho DN? Đại diện Sở Tài chính Bình Phước trả lời: “Để đảm bảo được hợp đồng khai thác, thu mua, thì 4 DN này đã nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước Bình Phước. Khi không thực hiện được hợp đồng, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng thì phải trả lại tiền cho DN”. Cũng theo đại diện Sở Tài chính Bình Phước, đến nay chưa nhận được khiếu nại hay phản ánh gì từ 4 DN này đối với lợi ích tham gia khai thác, thu mua gỗ.

Xử lý nghiêm nếu có sai phạm

Trả lời câu hỏi của một số PV về trách nhiệm quản lý, bảo quản trên 8.000 m3 gỗ đã được khai thác, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, giải thích: “Trách nhiệm bảo quản là của chủ rừng và đơn vị khai thác. Do tình hình phức tạp lúc bấy giờ phải chờ thời gian ổn định tình hình. Gỗ để dưới trời mưa, nắng trong khi chủ yếu là gỗ tạp nên bị mục nát, mất chất lượng rất nhanh. Tôi cho rằng đó là yếu tố khách quan”.
Trong khi đó, bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết sau khi thực hiện tiêu hủy số gỗ sẽ tổ chức kiểm điểm cá nhân, tổ chức, cán bộ có liên quan đến việc tham mưu, chỉ đạo xử lý trên 8.000 m3 gỗ tồn đọng. “Nếu có sai phạm sẽ được xử lý nghiêm túc”, bà Minh khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.