Tiểu thương chợ An Đông than 'quá khổ nhưng không biết kêu ai'

11/08/2017 22:20 GMT+7

Ngày 11.8, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với đại diện hơn 2.300 tiểu thương chợ An Đông tại tầng hầm chợ.

Theo đại diện các tiểu thương, vấn đề tài chính không minh bạch từ mua cái đồng hồ điện, thu tiền đi vệ sinh, chi các khoản vô tội vạ, rồi đùn đẩy trách nhiệm làm chậm việc sửa chữa nâng cấp chợ từ năm này sang năm khác của Ban quản lý (BQL) chợ đã gây bất bình cho tiểu thương.
Đây là chuyến đi khảo sát thực tế đầu tiên của UBND TP.HCM tại “điểm nóng” này, sau hàng loạt kiến nghị, bức xúc của tiểu thương gửi trực tiếp lên lãnh đạo TP.HCM. Trước đó, ngày 12.5.2017, UBND TP.HCM đã có kết luận thanh tra các vấn đề liên quan đến chợ An Đông như: tính pháp lý của việc nộp tiền thuê sạp, nộp tiền sửa chữa nâng cấp chợ và nhà vệ sinh chợ…
“Quá khổ nhưng không biết kêu ai”
Theo phản ánh của bà Vân Trang, tiểu thương chợ An Đông, tập thể tiểu thương không đồng ý với kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành thành phố mà trưởng đoàn là bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM. Lý do đoàn thanh tra các vấn đề bức xúc của tiểu thương phản ánh nhưng không hề làm việc gặp gỡ trao đổi với bất kỳ tiểu thương nào, dự thảo kết luận thanh tra cũng chưa hề được công bố trước khi kết luận chính thức…
Tuy nhiên, tại buổi làm việc hôm nay, các vấn đề tiểu thương phản ánh là quá nhiều khoản thu chi không rõ ràng từ BQL chợ và thái độ làm việc vô cảm của BQL, lãnh đạo quận 5. “Hằng năm chúng tôi chi trả nhiều để nuôi bộ máy hành chính BQL chợ, nhưng bao nhiêu phản ánh đều không được giải quyết, đặc biệt nhiều lần phản ánh lên UBND Q.5, trụ sở UBND Q.5 cách chợ có mấy bước chân nhưng 10 năm nay, chưa một vị lãnh đạo đứng đầu quận quá bộ xuống chợ, nghe dân tình kêu khổ thế nào. Kinh doanh trong môi trường quá khắc nghiệt, nóng nực, xuống cấp, đóng tiền rồi nhưng không được sửa chữa… Quá khổ mà không biết kêu ai”, đại diện tiểu thương chợ An Đông, bà Trần Thị Thu Thùy phản ánh.
TIểu thương vui mừng khi lần đầu tiên được tiếp lãnh đạo TP tại chợ Ảnh: Ng.Nga
Nhiều khoản chi “vô tội vạ”
Trong đơn thư bà Mã Thái Lan, tiểu thương kinh doanh tại chợ hơn 40 năm qua, cố gắng đưa tận tay ông Trần Vĩnh Tuyến với lời nhắn nhủ: “Chú cố gắng đọc cho tiểu thương vui... Có những khoản thu quá chênh lệch giữa chợ An Đông, chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (3 chợ truyền thống cấp 1 của TP.HCM - PV)”. Cụ thể, thu tiền diện tích quầy sạp (hoa chi) chợ Bến Thành là 157.000 đồng/tháng, trong khi thu tại chợ An Đông là 200.000 đồng/tháng. Đó là thu sai hơn 20 năm qua do tiểu thương đã đóng trước đó 20 năm nhưng hằng năm vẫn thu. Khoản thu thứ hai là phí vệ sinh chợ Bến Thành 33.900 đồng/sạp/tháng, trong khi An Đông là 130.000 đồng/tháng/sạp. Phí môi trường tại chợ Bến Thành không thu, nhưng An Đông thu 25.000 đồng/sạp/tháng…
Cộng riêng 3 khoản thu đó, theo các tiểu thương, những loại phí tại chợ An Đông đang đóng cao hơn các chợ cùng cấp hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Chưa hết, liên quan đến quyết toán thu chi và sử dụng nguồn điện nước, theo đơn thư tiểu thương phản ánh, tháng 8.2014, BQL chi hơn 9 tỉ đồng từ tiền thu của tiểu thương để cải tạo sửa chữa hệ thống điện động lực của chợ. Thế nhưng, trong năm 2014 và 2015 (thời điểm còn bảo hành) chi bảo trì, sửa chữa thiết bị điện, nước của chợ hơn 820 triệu đồng, năm 2016 chi sửa chữa bảo trì điện nước tiếp tục hơn 303 triệu đồng và trong 6 tháng đầu năm nay là hơn 40 triệu đồng. “Một dự án 9 tỉ đồng mà trong thời kỳ còn bảo hành, chi phí sữa chữa, bảo trì lên đến hàng trăm triệu đồng là điều khó hiểu”, ông Nguyễn Hữu Hùng băn khoăn.
Đáng nói hơn, có khoản chi “dự phòng” được tiểu thương băn khoăn và yêu cầu có trả lời từ BQL chợ. Trong bảng quyết toán thu chi hộ năm 2015, có khoản chi dự phòng trợ cấp thôi việc cho 22 nhân viên vệ sinh là gần 456 triệu đồng và chi dự phòng trợ cấp thôi việc cho 21 nhân viên vệ sinh năm 2016 là hơn 583 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay lại chi dự phòng tiếp cho 17 nhân viên vệ sinh chợ gần 425 triệu đồng. Như vậy, trong hai năm rưỡi qua, BQL chợ An Đông chi dự phòng trợ cấp thôi việc hơn 1,464 tỉ đồng. Trong khi cũng trong các bảng quyết toán này, cũng có khoản “chi trợ cấp thôi việc” cho những nhân viên có tên cụ thể lần lượt năm 2012 chi cho 4 nhân viên thôi việc gần 84 triệu đồng. Năm 2014 trợ cấp thôi việc cho 1 nhân viên hơn 20 triệu đồng. Năm 2016 trợ cấp cho 1 nhân viên gần 21 triệu đồng. Và năm 2017 đã chi trợ cấp thôi việc cho 5 nhân viên tổng cộng hơn 154 triệu đồng.
“Đã là trích dự phòng nhưng không lấy ra sử dụng mà năm nào “cắt” thẳng luôn năm ấy, qua năm sau lại trích tiếp với số tiền lên đến hàng tỉ đồng. Trong khi lại chi cho nhân viên nào nghỉ làm rất rõ ràng một khoản tiền khác nữa. Đến bây giờ BQL chợ vẫn chưa có câu trả lời cho chúng tôi. Chi xài kiểu vô tội vạ vậy có phải là vung tay quá trớn không? Tôi hỏi lãnh đạo thành phố, chúng tôi có cần đi gõ cửa nào nữa không khi những bức xúc của chúng tôi với quận và BQL chợ kéo dài như chưa thấy điểm dừng vậy?”, bà Nga đại diện tiểu thương kết thúc bằng câu hỏi trực tiếp lãnh đạo TP.
Kết thúc buổi trao đổi, ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh việc sửa chữa chợ An Đông không chỉ bảo đảm môi trường kinh doanh sạch đẹp cho tiểu thương mà là tạo điểm tham quan du lịch mua sắm. Thế nên, việc chăm lo cho tiểu thương của quận 5 làm chưa tốt, cần coi lại cách làm và cách triển khai thế nào. Ông Tuyến cho rằng các cơ quan chức năng cần ghi nhận góp ý của tiểu thương, có phương án sửa chữa, nâng cấp chi tiết cho chợ An Đông càng sớm càng tốt. Ít nhất đến cuối năm nay, tiểu thương có ngôi chợ khá khang trang để kinh doanh bán Tết. Bà Trương Minh Kiều, Phó chủ tịch UBND Q.5 thừa nhận việc để chậm trễ sửa chợ là lỗi của quận. Trong thời gian tới, phòng tài chính quận sẽ phối hợp với BQL chợ kiểm tra và giải trình các vấn đề liên quan tài chính mà tiểu thương phản ánh. Cân nhắc việc thu phí hoa chi 200.000 đồng/tháng hay không.
Ngoài ra, liên quan gói thầu sửa chữa ô giếng trời và nội ngoại thất chợ được UBND Q.5 phê duyệt từ tháng 10.2016 gồm 10 hạng mục, tiểu thương phản ánh khi lấy ý kiến tiểu thương, đã có 8 hạng mục bị bỏ và tất cả thống nhất làm lại gói thầu. Trong buổi gặp với tiểu thương tại Sở Công thương TP.HCM ngày 6.1.2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu tạm ngưng sửa chữa để thanh kiểm tra. Thế nhưng, đến tháng 3 vừa qua, BQL chợ lại tiếp tục mở gói thầu cũ đã bị cắt bỏ 8/10 hạng mục này. Vì vậy, theo tiểu thương, việc chậm trễ sửa chữa là lỗi hoàn toàn phía UBND Q.5 và BQL không theo chỉ đạo của TP chứ không phải từ tiểu thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.