Tìm đầu ra cho con tôm

Chí Nhân
Chí Nhân
09/06/2018 06:37 GMT+7

Mục tiêu của VN trong những năm tới là xuất khẩu tôm đạt giá trị 10 tỉ USD/năm bị đe dọa nếu không có chiến lược về thị trường.

Sản lượng tăng, đầu ra giảm
Sản lượng tôm trong nước 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh, đạt 176.000 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng sản lượng tôm thẻ ở ĐBSCL đạt 72.200 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017. Sản lượng tăng nhưng giá tôm thẻ bình quân giảm 15% tương đương khoảng 20.000 đồng/kg, nhiều nơi mức giảm lên đến 30.000 đồng/kg so với cuối năm 2017. Giá tôm ở mức thấp nhất trong 2 năm qua. Loại 100 con/kg khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 100.000 đồng/kg. Giá tôm giảm do ảnh hưởng của thị trường thế giới nguồn cung tăng mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trên quy mô toàn cầu sản lượng tôm năm 2018 có thể vượt qua 3,5 triệu, cao nhất trong giai đoạn từ 2008 đến nay. Sản lượng tôm các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới như: Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, VN, Indonesia đều tăng. Đó là lý do giá tôm VN xuất khẩu đã giảm 20% so với cuối năm 2017, nhưng không thể cạnh tranh được với Ấn Độ. Cụ thể, giá bán trung bình của VN hiện 11,4 USD/kg, trong khi của Ấn Độ chỉ còn 9,9 USD/kg. Với mức giá rẻ như vậy, các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ thêm 30% trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ có Ấn Độ, Mỹ còn tăng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc đến 38%, Indonesia tăng 19%. Điều này khiến nguồn cung tôm của VN vào Mỹ bị sụt giảm mạnh.
Trong năm 2017, khi con tôm VN gặp khó khăn ở thị trường Mỹ vì các rào cản kỹ thuật, sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc được xem là “cứu cánh”. Nước này nhập khẩu tôm tới 683 triệu USD, tăng 57%, so với năm 2016. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc trong năm qua do nước này mất mùa. Năm nay bên cạnh việc được mùa, Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu tôm giá rẻ của Ấn Độ, góp phần “đóng băng” thị trường tôm VN.
Khó khai thác thị trường Trung Quốc
Sự giảm giá vừa qua chỉ mang tính thời điểm khi nguồn cung trên phạm vi toàn cầu tăng mạnh
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng: Sự giảm giá vừa qua chỉ mang tính thời điểm khi nguồn cung trên phạm vi toàn cầu tăng mạnh. Các nhà nhập khẩu ngưng mua chờ giá. Nay giá nhập khẩu đang tốt, sức tiêu dùng tăng nên bắt buộc họ phải nhập trở lại nên giá cũng nhích nhẹ lên rồi. Đó là quy luật thị trường chứ không có “ông” nào đủ sức để kéo giá tôm lên hay xuống cả.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cũng tỏ ra khá lạc quan vì giá tôm sẽ bắt đầu phục hồi khoảng trong tháng 6 này. Doanh nghiệp cũng bắt đầu có đơn hàng trở lại và có thể đạt mức cao kể từ tháng 9 vì nguồn cung từ các đối thủ như: Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan sẽ giảm do qua thời điểm thu hoạch rộ.
Với mức sống ngày càng cao sức tiêu thụ tôm của thị trường Trung Quốc không ngừng tăng. Năm 2015 đã lên tới trên 1,6 triệu tấn/năm cao nhất thế giới. Với VN, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để đứng thứ 3 trong danh sách các nhà nhập khẩu hàng đầu với 18% thị phần. Theo ông Hòe, hiện tại tôm của VN chủ yếu mới vào tới các tỉnh thành phía nam giáp biên giới với VN, các khu vực bên trong chưa vào được hoặc rất ít. Qua những lần đi dự các hội chợ quốc tế có thể nhận thấy khả năng mở rộng thị trường còn rất lớn, khách hàng quan tâm rất nhiều. Tuy vậy, Trung Quốc là thị trường có tính rủi ro cao về nhiều mặt như: thanh toán, quy định về hải quan, kiểm dịch không rõ ràng và thường xuyên thay đổi.
“Trung Quốc là một thị trường lớn, nhưng thông tin về thị trường này hiện rất hạn chế. Các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thông tin thị trường từ phía Bộ Công thương. Về tổng thế, để tránh rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc phải đi đường chính ngạch, theo các thông lệ giao dịch quốc tế”, ông Hòe khuyến cáo.
Các chuyên gia cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc là rõ ràng và ai cũng nhìn thấy. Tuy nhiên, muốn khai thác một cách hiệu quả và bền vững cần có một chiến lược cụ thể từ cấp bộ ngành thậm chí từ chính phủ. Hiện nay, Trung Quốc nhập tôm Ấn Độ qua đường tạm nhập tái xuất từ VN, nên VN muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc phải có chính sách phù hợp.
Mục tiêu của VN trong vài năm tới xuất khẩu tôm đạt giá trị tới 10 tỉ USD, nếu không có chiến lược thị trường từ lúc này sẽ lặp lại điệp khúc được mùa mất giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.