Tín hiệu vui cho giao thông số Việt Nam

04/01/2021 18:09 GMT+7

Sau 6 tháng kể từ khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tham gia giai đoạn 2 của thu phí đường bộ không dừng, đây được coi là tín hiệu vui, một sự bứt phá cho lĩnh vực giao thông số trong nước.

“Mạo hiểm” nhưng đúng hướng

Có ý kiến cho rằng, Viettel đã “mạo hiểm” khi tham gia “cuộc chơi” thu phí tự động không dừng, nhất là khi chứng kiến những kết quả sau hơn 4 năm triển khai giai đoạn 1. Tuy nhiên, với tập đoàn uy tín hàng đầu trong nước như Viettel, lựa chọn của họ chắc chắn phải có cơ sở, lý lẽ!
Có thể thấy, giao thông số là yêu cầu tất yếu, trong đó, hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng là một khâu quan trọng, góp phần chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics. Đây là ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam. Thu phí không dừng sẽ giúp giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, chi phí vận tải... Ngoài ra, việc thu phí không dừng còn góp phần bảo đảm minh bạch, quản lý tốt doanh thu của doanh nghiệp tham gia kinh doanh, khai thác quản lý đường bộ. Cho nên từ Quốc hội, Chính phủ, ngành giao thông đều có những chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện. Năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mới đây, ngày 17.11.2020, trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã yêu cầu từ năm 2021 sẽ thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT đường bộ.

Khẳng định và cống hiến

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ: “Kể từ khi Viettel tuyên bố sứ mệnh của mình là tiên phong và chủ lực xây dựng xã hội số Việt Nam thì các lĩnh vực đầu tiên Viettel xác định phải đầu tư vào là chuyển đổi số cho giáo dục, y tế và giao thông. Giao thông ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự có chuyển đổi số tiên tiến, còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là bấp cập về tắc nghẽn, các thiết bị thông minh hỗ trợ cho người tham gia giao thông thì chưa được ứng dụng nhiều. Nhu cầu đặt ra là phải thông minh hoá, tự động hoá, số hoá để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống giao thông vận hành một cách hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ người tham gia giao thông có những lựa chọn tối ưu nhất, an toàn nhất khi đi đường. Ví dụ, khi người lái vận hành một chiếc ô tô thì tất cả các quy trình như đỗ xe, trả phí, các cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm… cần được xử lý một cách thông minh, tự động. Ngoài ra thì hệ thống điều khiển giao thông như gắn kết với camera giám sát, đèn báo hiệu, các trung tâm giám sát, điều hành giao thông cần được trang bị hệ thống số hiện đại nhất, tự động hoá toàn bộ quá trình giám sát, điều hành hệ thống giao thông của Việt Nam. Khi triển khai số hoá một cách đồng bộ, hệ thống giao thông được vận hành một cách hiệu quả, thuận tiện. Đó là mục tiêu chính mà Viettel hướng tới khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này”.
Do đó, chỉ sau 6 tháng ký kết hợp đồng BOO2, Viettel đã hoàn thành triển khai xây dựng, lắp đặt thiết bị và kết nối trung tâm dữ liệu tại 25/33 trạm; kết nối trung tâm dữ liệu với 10 trạm. Ngày 25.11.2020, hoàn thành thực nghiệm sử dụng xe dán thẻ thật của VETC chạy qua trạm Hòa Lạc – Hòa Bình, cho thấy toàn hệ thống đã sẵn sàng kết nối sang VETC. Ngày 1.12.2020, đơn vị bắt đầu triển khai dán thẻ và mở tài khoản giao thông thử nghiệm tại một số tỉnh. Đến 29.12.2020, ePass đã chính thức được đưa vào vận hành. Hệ thống do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC), thành viên của Viettel phối hợp với các nhà đầu tư BOT triển khai dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ GTVT.
Với 35 trạm thu phí không dừng trong vòng 6 tháng, ePass đã góp phần tăng trưởng hơn 80% so với số thực hiện trong 4 năm trước đó, nâng tổng số trạm không dừng trên toàn quốc lên 91. Viettel đã áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển như: Công nghệ nhận diện ảnh (OCR), công nghệ xử lý ảnh với độ chính xác cao; hệ thống tính cước thời gian thực (OCS) do tập đoàn tự nghiên cứu phát triển, giúp cho việc thanh toán tiền được thực hiện real-time (ngay lập tức)…Tham gia ePass, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với Ngân hàng số ViettelPay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định, hệ thống thu phí tự động ePass sẽ là một đòn bẩy giúp phổ cập dịch vụ thu phí không dừng trên toàn quốc, tiến đến phát triển giao thông số tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.