Tốc độ tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đứng đầu thế giới

13/05/2019 06:47 GMT+7

Cùng với tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng nhanh nhất thế giới , tỷ lệ tai nạn giao thông do “ma men” tại VN cũng đã tăng lên mức đáng báo động.

Uống nhiều, tai nạn tăng

Nghiên cứu mới công bố của Tạp chí y khoa Lancet (Anh) về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 189 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2017 cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ bia rượu trên toàn cầu đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình như VN, Ấn Độ... Theo báo cáo này, tổng lượng tiêu thụ rượu bia trên toàn cầu mỗi năm từ 21 tỉ lít năm 1990 đã lên 35,7 tỉ lít vào 2017, tương đương tăng 70%.
Tại khu vực Đông Nam Á, lượng tiêu thụ rượu đã tăng 34% trong vòng 7 năm (2010 - 2017). Đáng chú ý, ở giai đoạn này, VN là quốc gia có tốc độ tăng tiêu thụ rượu lớn nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010, gấp khoảng 2,5 lần tốc độ tiêu thụ của Ấn Độ (37,2%). Năm 2017, bình quân mỗi người Việt uống gần 9 lít đồ uống có cồn, con số này tại Ấn Độ là 5,9 lít; Nhật Bản là 7,9 lít...
Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.
Số liệu tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “chóng mặt” tỷ lệ thuận với tai nạn giao thông (TNGT) từ ma men. Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh, thành năm 2016 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn do rượu bia chiếm khoảng 39,6%. Năm 2016 xảy ra gần 21.500 vụ TNGT với 8.700 người chết thì chỉ riêng TNGT do bia rượu đã xấp xỉ 9.000 vụ. Từ gần 40% (năm 2016), theo thống kê chưa đầy đủ thời gian gần đây, có tới 65 - 70% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. Đơn cử trong 4 ngày Tết dương lịch 2019, chỉ riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn 200 ca cấp cứu do TNGT, nhiều ca chấn thương sọ não, đa chấn thương. Hầu hết nạn nhân trong độ tuổi từ 20 - 30, nhập viện vẫn còn mùi bia rượu, nhiều ca không thể tiến hành gây mê vì bệnh nhân còn say xỉn.

Phạt thật nặng, xử thật nghiêm

Trước tình trạng liên tục xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu bia, trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, một số đông bộ phận người dân đã cùng nhau hưởng ứng phong trào “Đã uống rượu bia, không lái xe”. Ngay tại Hà Nội hôm qua (12.5), khoảng 5.000 người đã xuống đường tuần hành phản đối những kẻ lái xe sau khi uống rượu bia. Nhiều chuyên gia nhận định việc tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi là đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Chính quyền cần mạnh tay, có chế tài thật nặng đối với những tài xế sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông, kể cả chưa gây tai nạn.
Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM đánh giá quy định “hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý” tại bộ luật Hình sự năm 2015 đang được áp dụng hiện nay quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và chưa đúng bản chất sự việc. Cụ thể, người uống rượu bia rồi lái xe nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho cả bản thân và xã hội, thấy trước hậu quả có thể xảy ra nhưng vẫn làm, như vậy phải đưa vào nhóm lỗi cố ý gián tiếp. “Tức là gây hậu quả đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Nếu tài xế dùng chất kích thích gây tai nạn chết người sẽ phải bị xử lý theo tội danh giết người. Việc tuyên truyền chỉ có tác dụng đối với những người có ý thức, đối với những đối tượng coi thường luật pháp, coi thường tính mạng của bản thân và xã hội thì phải bị trừng trị thật nghiêm”, vị này nhấn mạnh.
Góp ý về luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất ngoài mức phạt tiền cao, những tài xế có nồng độ cồn trong người dù chưa gây tai nạn sẽ phải đi lao động công ích.
Ủng hộ đề xuất này, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, lưu ý không phải cứ phạt tiền cao là người điều khiển phương tiện sẽ sợ. Với cơ chế thanh tra, xử phạt như hiện nay, việc tăng mức phạt hành chính nguy cơ dẫn tới tăng tiêu cực. Số tiền phạt càng cao, khoản “chung - chi” giữa người vi phạm và lực lượng chức năng càng lớn và một bộ phận không nhỏ cán bộ sẵn sàng thỏa thuận để có được “món lời” này.
“Việc thay đổi những thói quen, hành vi xấu khi tham gia giao thông phải được bắt đầu từ giáo dục nhận thức. Nếu chỉ đóng tiền phạt rồi thôi, người vi phạm sẽ không có thời gian, cơ hội để ngẫm nghĩ về hành vi của mình. Điều này sẽ được giải quyết rất tốt trong thời gian họ phải chịu phạt lao động công ích. Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi phương pháp tuần tra giám sát. Nên tăng cường tuần tra ngẫu nhiên và phối hợp, thay phiên nhiều đơn vị, lực lượng để hạn chế tiêu cực”, ông Tuấn nêu ý kiến.
Tại cuộc họp của Chính phủ sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông quý 1/2019, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, yêu cầu phải xử theo hướng hình sự với các lái xe sử dụng rượu bia, ma túy gây tai nạn; Sửa luật theo hướng phạt nặng kết hợp với lao động công ích, tịch thu phương tiện và tước bằng lái xe với các phương tiện sở hữu chính chủ. Nếu phương tiện thuộc trách nhiệm của các nhà xe thì cần tính toán, bổ sung hành lang pháp lý theo hướng xử phạt nhà xe không đủ điều kiện sức khỏe điều khiển phương tiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.