Trong khi tôm nguyên liệu đang có giá cao nhất trong vòng 5 năm qua thì không khí ảm đạm lại bao trùm lên các vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bạc Liêu. Ông Nguyễn Văn Dũng (ở ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thị xã Bạc Liêu) nói rằng người dân trong ấp ai cũng háo hức bước vào vụ tôm mới do vụ tôm trước trúng đậm. Vụ tôm này ông Dũng thả nuôi được 3 ao. Gần 2 tháng kể từ lúc thả nuôi, tôm lớn nhanh và không có biểu hiện bệnh tật gì. Nhưng sau những trận mưa đầu mùa, tôm bắt đầu nổi đầu và chết dần. “Tiền cải tạo đất, mua con giống, thức ăn, và thiết bị tính ra hơn 30 triệu đồng, coi như mất trắng”, ông Dũng nói. Không riêng gì ông Dũng, hiện ở ấp Kim Cấu có hàng chục hộ dân nuôi tôm đang rơi vào cảnh khốn đốn do tôm nuôi bị chết đỏ ao. Tình trạng tôm chết lây lan rất nhanh, không ai trở tay kịp.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Vượng, Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bạc Liêu, cho biết diện tích tôm nuôi bị thiệt hại mỗi ngày mỗi tăng và sẽ tiếp tục tăng lên gấp nhiều lần trong những ngày tới. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có gần 2.000 ha tôm nuôi công nghiệp bị thiệt hại, riêng từ ngày 3 - 10.6, diện tích thiệt hại lên đến 293 ha.
Theo ông Vượng, các địa phương có diện tích tôm nuôi bị thiệt hại nhiều là các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (thị xã Bạc Liêu); Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (H.Hòa Bình). Nguyên nhân là bị sốc môi trường do thời tiết thay đổi đột ngột. Suốt mấy tháng liền, nắng nóng gay gắt khiến mực nước ở các ao nuôi tôm cạn kiệt, độ mặn tăng cao nên khi xuất hiện các cơn mưa đầu mùa, môi trường thay đổi nhanh, tôm bị sốc dẫn đến chết.
“Trong tình hình thời tiết bất lợi thế này, những hộ còn tôm nên tăng cường chạy quạt tạo ô-xy cho tôm, tuyệt đối không bơm nước từ các tuyến kênh vào ao, vì môi trường đã bị ô nhiễm nặng do nhiều hộ xả chất thải tôm chết xuống kênh”, ông Vượng khuyến cáo.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)