TP.HCM còn nắng nóng 'kinh khủng' đến bao giờ?

11/05/2020 13:21 GMT+7

Người dân TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam đang trải qua những ngày nắng nóng "kinh khủng" nhất trong năm.

Nhiệt độ lên tới 42 độ C, kéo dài đến hết tuần

Gần 1 tuần qua, các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Nam trải qua những ngày nắng nóng, oi bức "kinh khủng". Tại TP.HCM, nhiệt độ cao nhất luôn đạt 36 - 37 độ C.
Mùa khô tại miền Nam bắt đầu từ cuối tháng 3, đầu tháng 4 nhưng trong khoảng thời gian đó, nhiệt độ cao trên 35 độ chỉ duy trì trong khoảng 5 - 6 giờ, từ 10 - 11 giờ trưa đến 16 - 17 giờ chiều. Từ chiều tối trở đi, trời mát mẻ dần, nhiệt độ ban đêm giảm xuống còn khoảng 25 - 26 độ.
Tuy nhiên từ đầu tháng 5, thời tiết oi nóng cả ngày. Từ khoảng 9 giờ sáng, nhiệt độ ngoài trời đã lên tới 36 - 37 độ C, kéo dài đến tận 17 - 18 giờ tối, ban đêm chỉ hạ xuống tới mức 29 - 30 độ. Thời gian nắng nóng kéo dài, lại thêm tia bức xạ UV thường xuyên ở mức cực kỳ nguy hiểm (mức 10 - 11) khiến mọi người cảm thấy rất khó chịu, mệt mỏi.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan cho biết, TP.HCM và các tỉnh, thành miền Nam đang ở trong giai đoạn nắng nóng nhất của mùa khô. Đây là hiện tượng thường xuyên xuất hiện trước khi bước vào mùa mưa. 
Bà Lan lý giải thời tiết khu vực miền Nam chịu ảnh hưởng bởi hệ thống rãnh thấp xích đạo phía Nam. Thời gian qua, rãnh này quá yếu, cùng với áp cao từ Thái Bình Dương lấn vào, tạo trời quang mây, bức xạ từ mặt trời chiếu thẳng xuống đất càng làm gia tăng nắng nóng. Cùng với đó, do chuẩn bị vào mùa mưa, hơi nước nhiều làm tăng thêm lượng nhiệt vào khí quyển.
"Nhiệt độ cao nhất ở mức 37 độ C là đo trong các trạm khí tượng. Thực tế, nhiệt độ cảm nhận cao hơn nhiều, lên tới 40 - 42 độ C. Đặc biệt, do TP.HCM bị bê tông hóa quá nhiều, cộng thêm hiện tượng đảo nhiệt đô thị, như 1 ốc đảo so với vùng xung quanh nên người dân sẽ cảm thấy cực kỳ nắng nóng, oi bức, khó chịu" - bà nói.
Cũng theo vị này, tại khu vực biển Ấn Độ Dương đang hình thành cơn bão. Cơn bão này sẽ di chuyển gần đến gần Vịnh Thái Lan, kết hợp với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động phía Đông Nam Philippines sẽ làm gió Tây Nam xuất hiện, gây mưa, miền Nam Việt Nam sẽ lần lượt bước vào mùa mưa. Dự kiến, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến khoảng thứ Tư (13.5). Từ 15.5 trở đi, mưa xuất hiện nhiều hơn, TP.HCM có thể đón cơn mưa giông đầu mùa vào Chủ nhật (17.5), nhiệt độ sẽ giảm dần.
"Mùa mưa tại TP.HCM sẽ có nắng, mưa xen kẽ. Do đó, những ngày trời không mưa, nhiệt độ sẽ lại tăng lên, gây nắng nóng. Sau đợt mưa đầu mùa, qua tới tháng 6, miền Nam có thể xuất hiện đợt ít mưa, nắng nóng trở lại, dân gian gọi là hạn bà chằn" - bà Lê Thị Xuân Lan dự báo.

Ô nhiễm không khí sẽ sớm trở lại

Bên cạnh thời tiết oi bức, chất lượng không khí cũng là một trong những vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất sau khi các hoạt động giao thông, sản xuất kinh doanh đã dần hồi phục trở lại sau đại dịch Covid-19.
Đáng mừng, dù lệnh cách ly xã hội đã chính thức được dỡ bỏ gần 3 tuần, phương tiện giao thông gần như trở lại bình thường nhưng TP.HCM vẫn giữ được chất lượng không khí tốt. Lần đầu tiên sau nhiều tháng ngày ô nhiễm, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) mà ứng dụng AirVisual đo được tại TP.HCM luôn duy trì ở mức màu xanh - chất lượng tốt.
Không khí trong lành từ sáng cho tới khoảng 22 giờ đêm và chỉ chuyển sang màu vàng (mức trung bình) vào khoảng 1 giờ sáng, khi không khí đông đặc, hội tụ ô nhiễm cả ngày.
Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhận định thời gian các hoạt động xã hội, kinh tế bị ngưng trệ vì đại dịch Covid-19 đã khiến mật độ ô nhiễm hơi loãng đi. Giai đoạn này trời quang, ít mây nên độ hội tụ thấp, ô nhiễm chưa tích tụ nhiều.
"Những tháng tiếp theo, khi các công trường xây dựng, nhà máy sản xuất dần quay lại nhiều hơn, ô tô xe máy di chuyển ngoài đường nhiều hơn, ô nhiễm không khí chắc chắn sẽ quay trở lại" - bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.