Triết lý lạ của ông chủ Asanzo

25/01/2018 08:00 GMT+7

Kinh doanh trong lĩnh vực cạnh tranh thuộc hàng khốc liệt nhất, chỉ lơ đãng một phút có thể mất thị phần.

Thế nhưng ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo - lại  có quan điểm cực lạ khi cho rằng, không nên tập trung vào cạnh tranh mà tốt nhất nên tập trung vào khách hàng. Nhìn lại cả quá trình kinh doanh của Asanzo sẽ thấy, đây không phải là nói suông, sự khác biệt chính là yếu tố mang lại thành công cho doanh nhân trẻ này.
Khi thị trường đã ngập các thương hiệu điện thoại thông minh từ thấp đến cao cấp, Asanzo tuyên bố đầu tư làm điện thoại cho người Việt xài; khi thị trường tiêu thụ tivi gần như bão hòa, ông quyết định chi 20 triệu USD đầu tư vào công ty khởi nghiệp để làm ti vi cao cấp…ông có thể cho biết kết quả của các quyết định ngược đời này thế nào rồi?
 Ông Phạm Văn Tam: Đánh giá xu hướng thị trường rất quan trọng, song dám “lội ngược dòng” các dự báo quan trọng hơn. Kết quả kinh doanh năm 2017 của Asanzo là minh chứng cho triết lý kinh doanh “lội ngược dòng” này. Năm 2017, doanh thu của tập đoàn tăng gần gấp đôi năm trước, đạt hơn 4.600 tỉ đồng.

Lội ngược dòng” bằng cách nhập linh kiện về để lắp ráp, ông vẫn "chọn việc nhẹ nhàng"?
(Cười lớn) Việt Nam đã từng có một ngành điện tử gia dụng không “bắt nhịp” kịp với thế giới. Nhiều thương hiệu điện tử Việt lừng lẫy một thời, trước cơn lốc hội nhập, đã chấp nhận làm gia công cho các hãng nước ngoài hoặc âm thầm rời cuộc chơi không thương tiếc. Chúng tôi là thế hệ doanh nghiệp đi sau, nếu không am hiểu thị trường, không bắt nhịp kịp với thế giới, chắc chắn số phận sẽ không khác gì thế hệ trước. Thế nên, cái gì làm được thì làm để tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước, cái nào chưa được, thế giới có sẵn, nên mua để làm. Tuy nhiên, khi đã có “của ăn của để”, nên nghĩ đến những đầu tư dài hạn hơn. Với ngành điện tử, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) rất quan trọng. Năm 2018, chúng tôi đặc biệt chú trọng mảng đầu tư R&D.
Cụ thể đầu tư vào R&D thế nào, thưa ông?
Hiện ngoài ba nhà máy, hai đặt tại TP.HCM và một tại miền Bắc, đầu năm 2018, chúng tôi chuẩn bị khánh thành nhà máy thứ tư chuyên sản xuất và lắp ráp rộng hơn
1 ha tại tỉnh Long An. Nơi đây sẽ tập trung sản xuất ti vi và một số mặt hàng điện tử gia dụng phục vụ thị trường 13 tỉnh thành miền Tây. Trong tương lai, sẽ xây tiếp nhà máy ở huyện Củ Chi, liên doanh với nước ngoài để làm hàng xuất khẩu sang thị trường châu Á. Trong kế hoạch, chúng tôi muốn thuê đất trong Khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM) để vừa nghiên cứu vừa sản xuất những linh kiện phục vụ chiến lược nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm dần dần. Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của Asanzo tầm 35%, tham vọng của chúng tôi từ lâu là phải đạt 50% hoặc hơn thế. Phải bằng mọi cách nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt, tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động Việt hơn nữa. Đặc biệt, tăng cường đầu tư về các tỉnh nhằm giảm tải lao động đổ về các thành phố lớn như hiện nay.
Thực ra có đầu tư gì thì mình vẫn là người đi sau rất nhiều so với thế giới trong lĩnh vực điện tử, và mấu chốt vẫn là con người...
Đúng thế. Ý thức vấn đề này nên chúng tôi có rất nhiều cơ chế, chính sách, khát vọng... để thu hút người tài. Để chuẩn bị cho mục tiêu đầu tư làm nghiên cứu phát triển, chúng tôi đã có chiến lược từ mấy năm trước. Tham gia tài trợ học bổng cho sinh viên kỹ thuật tại một số trường đại học cũng là cách tìm kiếm nhân tài. Các sinh viên giỏi, đam mê nghiên cứu làm việc, Asanzo sẽ là cái nôi nuôi dưỡng những ước mơ đó… Bên cạnh đó, Asanzo cũng thu hút được khá nhiều nhân sự cao cấp từ các tập đoàn sản xuất kinh doanh điện tử ngoại. Họ tìm đến với chúng tôi bởi có chung chí hướng, tham vọng vì một thương hiệu Việt.

Như ông nói thì Asanzo nói riêng và doanh nghiệp nội nói chung có đầy đủ điều kiện để cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài?
Thực ra khi làm việc với các tập đoàn nước ngoài mới thấy, rất nhiều cái người Việt mình thừa sức để làm. Chúng ta chỉ thiếu một cơ chế để tỏa sáng. Đơn cử một số địa phương dường như chú trọng đến các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) hơn là đầu tư trong nước. Các doanh nghiệp ngoại vào đây, thuần gia công lắp ráp, tạo công ăn việc làm cho địa phương thì được ưu đãi rất lớn về thuế, giá thuê đất... Còn doanh nghiệp nội như Asanzo hay nhiều doanh nghiệp khác cũng sản xuất và lắp ráp, tạo công ăn việc làm và luôn nỗ lực gia tăng nội địa hóa để phục vụ thị trường trong nước thì ưu đãi rất thấp. Chúng tôi thực ra chỉ mong muốn được đối xử công bằng.

Doanh thu lớn nhất của Asanzo là từ sản phẩm nào thưa ông?
Năm nay, doanh thu của công ty đạt 4.600 tỉ đồng thì 80% đến từ ti vi, 20% còn lại là các mặt hàng điện lạnh, điện gia dụng và điện thoại thông minh. Đã có 710.000 chiếc ti vi được bán ra trong năm nay, cao 1,5 lần so với 500.000 chiếc của năm 2016. Ngoài ra, có 3 triệu sản phẩm gia dụng đã tới tay người tiêu dùng trên toàn quốc. Riêng sản phẩm điện thoại smartphone Asanzo vừa ra mắt vào tháng 8.2017, chúng tôi cũng đã kịp bán hết 8.000 chiếc.

Người tiêu dùng khó tìm thấy chiếc điện thoại smartphone Asanzo trong các siêu thị điện máy. Vậy 8.000 chiếc điện thoại đó được bán qua kênh nào?
Đã tâm niệm phải làm được hàng tốt giá rẻ phục vụ thị trường trong nước thì khó đưa hàng vào các chuỗi cửa hàng điện thoại lớn, nơi có mức chiết khấu quá cao cộng thêm chi phí quảng bá sản phẩm nữa, hết cả lãi. Chúng tôi hiện có hơn 5.000 điểm bán lẻ thuộc hệ thống đại lý cấp 1 và cấp 2 của công ty, có 1.000 trạm bảo hành phủ 63 tỉnh thành. Chúng tôi tham vọng làm sản phẩm tốt cho người mình dùng, không tham vọng làm như thiên hạ mà phải hơn thiên hạ. Muốn vậy, phải có chính sách giá cả, thị trường thật cẩn trọng. Tôi tin chúng tôi đang đi đúng hướng (cười).

Ti vi của ông đang tiêu thụ tốt, tại sao ông quyết định đầu tư vào một dòng sản phẩm ti vi Kooda mới hoàn toàn?
Asanzo xưa nay được mặc định là dòng ti vi phân khúc bình dân nên dù từng cho ra lò sản phẩm cao cấp nhưng không thành công. Kooda là thương hiệu mới của một người từng có kinh nghiệm gần 20 năm làm việc cho tập đoàn sản xuất ti vi nước ngoài, có kinh nghiệm trong kỹ thuật, thị trường và nắm bắt xu hướng rất tốt. Nếu không thâu tóm Kooda, chúng tôi phải chuẩn bị kịch bản trở thành đối thủ của họ trong tương lai gần. Nên thay vì đối đầu, tại sao không mua để phát triển thị trường một cách tốt nhất. Cũng có thể Kooda là cơ hội tuyệt vời cho cuộc “lột xác” ti vi bình dân của Asanzo. Tôi vẫn chưa chắc chắn mình thành công hay không, nhưng kinh nghiệm cho thấy, tôi sẽ giải quyết mọi vấn đề tốt sau đó.

Để nói một câu, ông thích câu nói gì?
À, tôi thích câu nói của đương kim Tổng thống nước Mỹ Donald Trump: “Tôi thích nghĩ lớn. Nếu đằng nào bạn cũng phải nghĩ, hãy nghĩ lớn”.
Theo kết quả nghiên cứu thị trường từ GFK, tính đến cuối năm 2017, Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường với thị phần chiếm 16%, song độ phủ tại thị trường nông thôn lên đến 70%. Thâu tóm Kooda, Tập đoàn điện tử Asanzo đặt tham vọng chiếm 21% miếng bánh thị trường ti vi Việt.  Năm 2018, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu tăng gần gấp đôi, lên 8.316 tỉ  đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.