Trung Quốc lợi dụng 'kẽ hở' để nhảy vào các công ty công nghệ cao Mỹ

12/04/2017 16:29 GMT+7

Có rất ít hạn chế trong việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, robot của Mỹ... Và Trung Quốc đang tăng cường lợi dụng cánh cửa này.

Theo cảnh báo từ Lầu Năm Góc, chính quyền Bắc Kinh đang ngày càng khuyến khích các công ty của mình đầu tư mạnh mẽ vào các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon, với mục đích tạo đà thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chiếm ưu thế hơn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ.
Được biết, trong một số trường hợp, các công ty Đại lục đã thực hiện những vụ đầu tư nằm ngoài tầm “radar định vị” để tránh sự giám sát của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Động thái này được cho là đang gây ra mối đe dọa ở việc chuyển giao một số công nghệ hứa hẹn nhất của Mỹ sang Đại lục. Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn chưa có một biện pháp chính thức nào để kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng trên.
“Nếu chúng ta cho phép Trung Quốc tiếp cận với những công ty công nghệ cao, thì chúng ta không chỉ mất đi sự ưu việt về công nghệ của mình, mà còn có thể tạo điều kiện thuận lợi giúp Trung Quốc xây dựng ưu thế công nghệ”, báo cáo từ Nhà Trắng cho biết.
Theo The New York Times, trong số những thương vụ đầu tư vào công nghệ cao của Mỹ được thống kê, các nhà đầu tư Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến những sản phẩm công nghệ tinh vi mà quân đội có thể sử dụng, trong đó bao gồm công nghệ nhận diện khuôn mặt, công nghệ phát hiện hình ảnh ứng dụng thực tế trong việc theo dõi khủng bố và cả công nghệ thực tế ảo mô phỏng lực lượng vũ trang.
Velodyne, công ty sản xuất cảm biến ánh sáng dùng cho những chiếc xe không người lái của Hải quân Mỹ, được công ty Đại lục tài trợ sau khi tham gia cuộc thi do Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến quốc gia Mỹ tổ chức, là một ví dụ điển hình.
“Công ty đã có được các khoản thanh toán cần thiết từ quá trình tài trợ của các nhà đầu tư. Khoản tiền này cũng được dùng để thiết kế cảm biến LiDAR tiên tiến có thể đưa đến sự phát triển của các loại xe tự lái an toàn hơn, ít tốn kém hơn”, một phát ngôn viên của Velodyne cho biết.
Mặc dù các quan chức cấp cao của Nhà Trắng bắt đầu chú ý hơn đến việc thâm nhập Thung Lũng Silicon của Trung Quốc, đặc biệt là các thỏa thuận tài trợ cho những công nghệ mới liên quan đến ứng dụng quân sự ra đời, nhưng các báo cáo của chính phủ Mỹ vẫn cho thấy một “lăng kính mù mờ”, chưa thể hiểu rõ quy mô của vấn đề này sâu rộng đến đâu. Đặc biệt có một điều đáng nói là các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ cũng không nhận thức được về kế hoạch chuyển giao công nghệ nhạy cảm và không có sự cảnh giác cao đối với những nỗ lực từ phía Bắc Kinh.
Song báo cáo của Washington còn cho hay một số quỹ đầu tư của Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật che giấu nguồn vốn để hạn chế giám sát của chính phủ và “tăng khả năng” giao dịch sẽ được CFIUS chấp thuận.
Các doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư khoảng 30 tỉ USD vào công nghệ với hơn 1.000 hợp đồng tài trợ cho các công ty công nghệ của Mỹ trong giai đoạn đầu 2010 - 2016. Trong số các nhà đầu tư được xác định trong báo cáo, nổi bật nhất là các quỹ đầu tư tư nhân từ Alibaba và Baidu. Ngoài ra, cũng có các đơn vị được chính phủ Đại lục tài trợ như Westlake Ventures, ZGC Capital…
Các quan chức Nhà Trắng và Cục Điều tra Liên bang (FBI) cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng xu hướng đầu tư mạo hiểm cùng với gián điệp công nghệ đang tăng lên mà Mỹ khó có thể làm chậm tốc độ lại.
“Gián điệp công nghệ tiếp tục tăng cao và thật khó để xác định được vấn đề này thực sự có quy mô lớn như thế nào”, một quan chức chính phủ Mỹ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.