Nhu cầu lớn
Tại Tọa đàm mùa xuân 2019 và chương trình đối thoại giữa lãnh đạo TP với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc vừa qua, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group - IPPG), đánh giá trong 10 năm qua Đà Nẵng đã bứt phá, trở thành lá cờ đầu ở miền Trung. Tuy nhiên, ông bày tỏ tiếc nuối khi TP chưa có các trung tâm mua sắm duty free, outlet. “Với vị thế VN và Đà Nẵng nói riêng hiện nay, ngành du lịch sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa, du khách trong và ngoài nước có nhu cầu mua sắm rất cao và luôn đặt câu hỏi vì sao Đà Nẵng chưa có các trung tâm mua sắm duty free và outlet quy mô xứng tầm. Các doanh nghiệp đầu tư hệ thống này đang đứng trước thời cơ lớn”, ông nói.
|
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công thương, cho biết từ rất lâu rồi ngành công thương TP mong muốn mở các trung tâm duty free, outlet như nước ngoài vì thấy hợp lý, nhưng “xưa thông thoáng thì chưa có nhà đầu tư, nay có thì lại… vướng đủ thứ”. Ông Kha cũng nhìn nhận, do giá đất hiện tăng quá cao, nếu không có chính sách cụ thể và quyết sách táo bạo thì khó có nhà đầu tư nhảy vào.
Trong khi đó, dù phân tích về thực trạng giá thuê đất tăng cao, nhưng ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn tin tưởng: Chỉ cần TP.Đà Nẵng có chủ trương thì các nhà đầu tư vẫn có cơ hội, không cần giao đất mà sẵn sàng đấu giá. Ông tiết lộ, tháng 6 IPPG sẽ có cửa hàng duty free “thật sự” trong phố, giải quyết nhu cầu thiết thực của du khách.
|
Miễn thuế nhưng không sợ thất thu
Theo đại diện ngành Công thương TP.Đà Nẵng, hiện có nhiều doanh nghiệp muốn làm duty free nhưng Bộ Tài chính chưa cho phép và chỉ đạo Tổng cục Hải quan hạn chế vì sợ thất thu thuế. Nguyên do nay khiến “số phận” hàng duty free, outlet lúng túng trong một thời gian dài.
Về vấn đề này, ông Phan Văn Kha khẳng định đừng nghĩ miễn thuế sẽ… thất thu, bởi khi hàng hóa đáp ứng đúng nhu cầu thì sức mua sẽ rất mạnh. Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế TP.Đà Nẵng, khẳng định đối với công tác quản lý Nhà nước về thuế thì Cục Thuế TP tạo mọi điều kiện. Nếu doanh nghiệp được Nhà nước cho phép thành lập cửa hàng miễn thuế trong nội địa thì bán hàng không thu thuế giá trị gia tăng từ người mua.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch, cho biết TP đang có sức mua “kinh khủng” từ du khách Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng chưa quy hoạch hạ tầng thương mại với các trung tâm thương mại tầm cỡ hay các trung tâm duty free, outlet. “Nhà đầu tư xin cơ chế miễn thuế thì chính quyền phải xin về pháp lý, đồng thời phát triển logistics để khách mua nhiều nơi nhưng chỉ cần nhận hàng một điểm ở cửa ra sân bay. Nếu có duty free, outlet sẽ tạo đối trọng trên thị trường, minh bạch hơn về thương mại. Nhà nước hỗ trợ, giới thiệu nguồn gốc hàng hóa để cạnh tranh lành mạnh”, ông Bình nói.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đồng tình với quan điểm cho rằng các trung tâm mua sắm duty free, outlet ở Đà Nẵng hết sức cần cho các sản phẩm du lịch. “Người Đà Nẵng sức mua không phải thấp, nhưng hầu như phải đi nơi khác mua, và còn khách quốc tế nữa. TP sẽ tập trung trong thời gian sớm nhất, tham khảo nhà tư vấn để đặt vị trí các trung tâm này đúng chỗ, không phá vỡ quy hoạch”, ông Nghĩa nói.
Cơ hội từ “thiên đường hàng hiệu” SingaporeTheo Sở Công thương TP.Đà Nẵng, hiện có nhiều doanh nghiệp Singapore quan tâm đến duty free, outlet với các điểm tương đồng về du lịch giữa Đà Nẵng và Singapore, nơi được xem là “thiên đường hàng hiệu”. Ông Tan Weiming, Đại biện lâm thời Singapore tại VN, chia sẻ: “Singapore ấn tượng với Đà Nẵng sau APEC 2017 với những cây cầu và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Singapore muốn hiện diện hoặc mở rộng mạng lưới kinh doanh, quy mô đầu tư vào Đà Nẵng. Trong đó, với vị trí chiến lược, hạ tầng cùng nguồn nhân lực phát triển, Đà Nẵng là môi trường giàu tiềm năng để thúc đẩy đầu tư du lịch, trong đó các doanh nghiệp Singapore nhìn thấy tiềm năng từ nghỉ dưỡng và mua sắm”.
|
Chuyển động: Giải đua xe đạp quảng bá đầu tư Hành lang kinh tế Đông TâyNgày 4.4, HomeLand Group cho biết giải đua “Hành trình đạp xe kết nối hành lang kinh tế Đông Tây” lần 1 năm 2019 tranh cúp HomeLand Group đã đi được nửa chặng đường trên Hành lang kinh tế Đông Tây. Giải đua xuất phát tại Công viên Biển Đông (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Trong hơn nửa tháng, các tay đua sẽ đi theo lộ trình Thừa Thiên-Huế - Quảng Trị - Lào - Thái Lan - Myanmar và trở về cảng Sông Hàn (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) vào ngày 16.4. Gần 100 vận động viên đã đăng ký tranh tài nhằm quảng bá xúc tiến đầu tư, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các nước trên hành trình. Kinh phí tổ chức giải đua cho HomeLand Group tài trợ.
Phú Thành
3,35 tỉ USD đầu tư 715 dự án FDI tại Đà Nẵng
Ngày 4.4, Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng có báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý 1/2019. Theo đó, từ ngày 1.1 đến ngày 16.3, có 31 dự án FDI cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 353,3 triệu USD (so với 15 dự án, vốn đăng ký hơn 1,3 triệu USD cùng kỳ năm ngoái). Có 5 dự án đầu tư tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 114,2 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái tăng 1 dự án, tổng vốn tăng thêm 0,04 triệu USD). Có 43 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng vốn hơn 39,5 triệu USD. Lũy kế đến nay có 715 dự án với tổng vốn đầu tư 3,35 tỉ USD.
N.T
|
Bình luận (0)