Từ thầy giáo thành… nông dân tỉ phú

01/06/2019 07:36 GMT+7

Đam mê làm vườn, thầy giáo Phan Ngọc Thành (Sóc Trăng) xin nghỉ dạy về quê trồng măng cụt, sầu riêng, đặc biệt là những giống chôm chôm mới. Không bao lâu sau, mỗi năm ông thu lãi hơn 1 tỉ đồng.

Tích lũy kinh nghiệm làm nông nhờ… đi dạy học

Ông Nguyễn Văn Trí, Phó chủ tịch Hội Nông dân TT.An Lạc Thôn, cho biết ông Thành từng là giáo viên nhưng khi rời bục giảng để làm vườn thì xứ này khó ai bì kịp. “Ông luôn có những biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến, nắm bắt rất bài bản cách làm sao cho hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn nông dân muốn học nghề làm vườn”, ông Trí nói.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ông Thành đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba. Riêng năm 2018, ông được bình chọn nhận danh hiệu “Nông dân xuất sắc tiêu biểu VN”.
Ông Thành (55 tuổi, ngụ ấp An Ninh, TT.An Lạc Thôn, H.Kế Sách) kể sau khi tốt nghiệp sư phạm tại Trường ĐH Cần Thơ, ông được phân công về một trường PTTH vùng sâu của tỉnh Cần Thơ cũ (nay là tỉnh Hậu Giang). Những năm tháng dạy học ở đây giúp ông có nhiều kinh nghiệm trồng trọt các loại cây đặc sản giá trị kinh tế cao, dần dần đam mê trồng trọt lúc nào không hay. Năm 1990, ông xin nghỉ dạy để theo đuổi ước mơ làm vườn theo cách rất riêng của mình.
“Nếu mình cứ chăm bẵm theo cách làm cũ vừa không hiệu quả, vừa tốn công, vừa lãng phí thời gian. Vì vậy, tôi quyết định về quê làm vườn theo hướng sạch, an toàn, chất lượng cao”, ông Thành chia sẻ.
Để đảm bảo “làm là chắc thắng”, thời gian đầu khi nghỉ dạy, ông Thành bỏ nhiều thời gian đi tham quan, học tập thêm các mô hình trồng cây ăn trái hiệu quả cao tại các tỉnh ĐBSCL, nhất là Tiền Giang và Bến Tre.
Qua đó, ông đặc biệt tâm đắc mô hình đa canh tổng hợp tại Bến Tre nên chọn trồng cùng lúc sầu riêng, măng cụt trên diện tích vườn rộng 10 công (mỗi công 1.000 m2), bao gồm 5 công sầu riêng hạt lép và 5 công măng cụt. Nhờ áp dụng mô hình bón phân hữu cơ là chủ yếu (gồm đầu cá tạp, phân heo, gà, vịt, bò, trùn quế) kết hợp với các loại phân vi sinh nên chất lượng và sản lượng trái trong vườn ông Thành đạt rất cao.

Mở rộng quy mô, trở thành tỉ phú

Với 10 công vườn đặc sản sầu riêng và măng cụt, từ năm 2000, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, ông Thành thu lãi 300 - 350 triệu đồng/năm. “Tích tiểu thành đại”, ông gom góp tiền mua thêm đất sản xuất. Đến thời điểm này ông đang sở hữu 35 công đất. Trong đó, ông phân khu trồng chuyên canh 15 công chôm chôm Thái, chôm chôm đường, chôm chôm Java; 12 công trồng măng cụt; 8 công còn lại trồng mận An Phước và sầu riêng. Dưới các tán cây, ông đào ao mương thẳng tắp để vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa có nước tưới tiêu bất kỳ lúc nào.
Nét mới trong cách làm của ông Thành là sử dụng chung nguồn phân chăm bón cho cả khu vườn, nhưng khác lượng chăm sóc và thời gian chăm bón. Bên cạnh đó, ông còn thiết lập hệ thống bơm tưới nhỏ giọt để vừa tiết kiệm, vừa nâng cao chất lượng trái cây. Nhờ cách làm cải tiến, năng suất và chất lượng vườn cây ăn trái của ông Thành luôn đạt cao. Mỗi năm, ông thu lãi 1 - 1,3 tỉ đồng.
Ông Thành cho biết thêm, từ năm 2016 ông trồng thử nghiệm 300 cây chôm chôm Tiến Cường (Bến Tre). Đây là loại chôm chôm chất lượng cao, giá bán trên thị trường khá ổn định từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Dự kiến cuối năm 2019, ông bắt đầu thu hoạch giống chôm chôm mới này.

Chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn

Làm vườn quy mô lớn nên ông Thành thường xuyên tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, đa số là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bộ đội xuất ngũ. Bình quân mỗi lao động được trả công từ 180.000 - 220.000 đồng/ngày. Chị Lý Thị Phượng (ngụ ấp An Ninh, TT.An Lạc Thôn) chia sẻ: “Ông Thành sống rất giản dị, bình dân với người được thuê mướn. Chúng tôi ngoài chuyện có việc làm ổn định còn học tập ở ông rất nhiều kinh nghiệm trồng vườn rất bổ ích”.
Bên cạnh đó, sau khi lo cho 2 con học hành đến nơi đến chốn và đã tốt nghiệp đại học, ông Thành luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, từ thiện như: xây dựng đường giao thông nông thôn, giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học, người già không nơi nương tựa… Bình quân mỗi năm ông Thành đóng góp vào công tác này hàng chục triệu đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.