Ùn ứ phế liệu tại cảng Cát Lái

Nguyên Nga
Nguyên Nga
12/06/2018 06:36 GMT+7

Gần 8.000 container giấy và nhựa phế liệu đang tồn đọng tại cảng Cát Lái gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.

Thông tin trên được ông Nguyễn Năng Toản, Giám đốc Trung tâm logistics - Tổng công ty Tân cảng, cho biết tại hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án GIG của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức tại TP.HCM hôm qua 11.6.
Tranh thủ "đổ rác" về VN
Theo ông Toản, số lượng container hàng tồn tại tập trung chủ yếu là giấy phế liệu và nhựa phế liệu. 1/3 trong số đó đã được nhập về trên 90 ngày và đang có nguy cơ tiếp tục tồn lâu tại cảng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc cục bộ tại cảng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cảng cũng như các hãng tàu và doanh nghiệp (DN) hoạt động lĩnh vực xuất nhập khẩu ở cảng. Ông Toản cho biết, ngày 1.6, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã ra quyết định ngưng tiếp nhận các container phế liệu nhựa nhập khẩu về 2 cảng Cát Lái và Hiệp Phước vì sau gần 1 tháng siết chặt quản lý nhóm hàng này, tình hình vẫn không được cải thiện. Đơn vị này đã làm việc với cơ quan hải quan để phối hợp giải quyết, hỗ trợ DN nếu có nhu cầu chuyển cảng đích. Với các container giấy phế liệu và nhựa phế liệu, Tân cảng Sài Gòn chỉ cho dỡ hàng khi DN xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu còn hiệu lực. Việc tạm ngưng nhận hàng phế liệu kéo dài trong 4 tháng từ 1.6 - 30.9 năm nay.
Chi phí để xử lý một container hàng phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường tại nước ngoài rất lớn, cao hơn chi phí mua một container và thuê chở về VN. Thế nên các nước lợi dụng điều này để tranh thủ “đổ rác” về VN
Ông Nguyễn Năng Toản, Giám đốc Trung tâm logistics - Tổng công ty Tân cảng

Đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn nhận định, nguyên nhân tồn đọng lượng lớn giấy và nhựa phế liệu tại một số cảng ở VN do chính sách siết, không tiếp nhận nhập khẩu hàng phế liệu từ Trung Quốc và một số quốc gia trong thời gian gần đây. Cho nên có khả năng các lô hàng trên đã được chuyển tiếp về VN. “Chi phí để xử lý một container hàng phế liệu gây ảnh hưởng đến môi trường tại nước ngoài rất lớn, cao hơn chi phí mua một container và thuê chở về VN. Thế nên các nước lợi dụng điều này để tranh thủ “đổ rác” về VN”, ông Toản cho biết.
Chính phủ lệnh siết nhập khẩu phế liệu
Cũng trong ngày hôm qua, Chính phủ đã chính thức yêu cầu 4 bộ Công thương, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường và Giao thông vận tải phải tăng cường rà soát, siết mọi hoạt động nhập khẩu phế liệu vào VN. Đặc biệt, tăng cường thanh kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu để đảm bảo môi trường. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo hôm qua hy vọng với chính sách siết từ cấp Chính phủ, VN sẽ hạn chế nguy cơ là nơi tiếp nhận rác thải phế liệu của Trung Quốc và các nước. Trao đổi với Thanh Niên chiều qua, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng phụ trách Cục Hải quan TP.HCM, cho biết chính sách siết nhập khẩu phế liệu của Chính phủ là rất cần thiết và các cơ quan hải quan cũng đã chủ động kiên quyết nói không với hành vi nhập khẩu rác từ cửa khẩu sau một số thông tin các nước đóng cửa nhập phế liệu. Bởi nguy cơ VN bị biến thành bãi đáp rác thải công nghiệp luôn rình rập và các đơn vị gác cổng phải luôn đề cao cảnh giác.
Ông Thắng cho biết: “Hiện hàng phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái chính xác là 3.922 container, còn lượng phế liệu quá thời hạn thì rất nhiều. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến quản lý chuyên ngành. Nhiều chủ lô hàng không có giấy phép hoặc giấy phép quá hạn, hải quan kiên quyết không cho làm thủ tục nhập. Khó khăn lớn nhất cho ngành hải quan là lượng hàng tồn tại lẫn lộn nhiều loại. Chúng tôi muốn phối hợp với các cơ quan cấp phép, cơ quan quản lý môi trường để cùng phối hợp giải quyết. Nguyên tắc hàng hóa phải được thanh lý sau 90 ngày cập cảng, nhưng với rác thải cơ quan quản lý chuyên ngành xử lý thế nào… Nếu không tìm cách tháo gỡ sớm, rất khó cho các cảng trong tình trạng ùn ứ thế này”. 
Thông tin từ Hiệp hội Giấy và bột giấy, từ sau khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có sản xuất giấy, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều DN Trung Quốc đã sang VN để nhập khẩu giấy bao bì và tìm cách liên doanh sản xuất bột giấy tái chế tại VN. Lượng bột giấy “sạch” sau sản xuất sẽ cuộn, ép xuất khẩu về Trung Quốc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 5.2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.