Vàng tăng “sốc”, vốn vẫn chảy vào tiết kiệm

06/08/2020 06:19 GMT+7

Vàng miếng SJC tăng 38% so với đầu năm, vượt 59 triệu đồng/lượng trong ngày 5.8. Dù vậy, dòng vốn vẫn trú ẩn vào kênh tiết kiệm, bất chấp lãi suất thấp.

Vàng miếng SJC bị “làm giá”

Kim loại quý thế giới chính thức tăng vọt qua mức tâm lý chờ đợi 2.000 USD/ounce, lên 2.038 USD/ounce trong chiều 5.8, tăng hơn 60 USD/ounce so với giá chiều 4.8. Chỉ qua một đêm giá vàng thế giới đã tăng 3% và trong vòng 30 ngày trở lại đây, mức tăng của kim loại quý lên tới 14%.

Giá vàng tăng lên kỷ lục gần 61 triệu đồng/lượng vào sáng 6.8.2020

NH Nhà nước không can thiệp về giá vàng trên thị trường. Việc các đơn vị kinh doanh đẩy giá vàng miếng, cũng như chênh lệch mua bán lên cao cho thấy độ rủi ro khi đầu tư vào kênh này. Bản thân giới kinh doanh còn cân nhắc khi quyết định mua bán nên người dân hãy thận trọng khi tham gia lĩnh vực này. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Trong nước, vàng miếng SJC tăng từ 600.000 đồng lên 1,2 triệu đồng/lượng trong ngày 5.8. Đơn vị đưa ra mức giá vàng cao nhất trên thị trường là Ngân hàng (NH) TMCP Hàng hải VN (MSB) với giá 59,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào 57,46 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào lên 57,9 triệu đồng/lượng, bán ra 59,1 - 59,12 triệu đồng/lượng.
Vàng miếng SJC đã tăng hơn 16 triệu đồng mỗi lượng so với đầu năm, tương ứng mức tăng 38%. Tốc độ tăng giá của kim loại quý trong nước cao hơn so với mức 34% của vàng thế giới. Một điểm khá lạ trên thị trường là vàng miếng SJC đang cao hơn thế giới 1,85 - 2,4 triệu đồng/lượng, trong khi đó, vàng nguyên liệu, vàng nữ trang lại có giá thấp hơn thế giới từ 1,2 - 2,2 triệu đồng/lượng. Hôm qua, Công ty SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 (cùng chất lượng với vàng miếng SJC - PV) với giá 55 triệu đồng/lượng, bán ra 56 - 56,1 triệu đồng/lượng. Giá mua vàng nguyên liệu (giá bóng đẹp không chữ) là 55,12 triệu đồng/lượng, bán ra 55,26 triệu đồng/lượng.

Đội mưa đi mua vàng lúc xế chiều

Là người kinh doanh vàng vật chất trên 20 năm, anh Nguyễn Công (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) nhận xét biến động giữa vàng miếng SJC, nữ trang và nguyên liệu cho thấy nhu cầu vàng trên thị trường không cao, vàng miếng SJC bị các đơn vị kinh doanh đẩy lên quá xa so với thực tế, hay nói đúng hơn là “làm giá”. Thị trường vàng miếng hiện nay ít người mua bán, nhất là khi giá biến động “quá nhanh và quá nguy hiểm” như những ngày qua. Người có vàng không muốn bán vì sợ hớ, người mua vàng thì lại sợ “đu đỉnh”. Đáng lý thị trường ít giao dịch thì giá phải điều chỉnh giảm nhưng các đơn vị cứ lấy lý do không có hàng nên đẩy giá cao hơn thế giới lên đến 2 triệu đồng/lượng.
Bác bỏ thông tin giá vàng trong nước cao vì khan hiếm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trước đây, cứ khoảng 7 - 10 ngày, NH Nhà nước mở xưởng dập lại vàng móp méo cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng, nhưng hiện nay chỉ 4 - 5 ngày đã thực hiện dập lại số vàng lên đến 2.000 lượng để nhanh chóng đưa ra lưu thông trên thị trường. NH Nhà nước quản lý các đơn vị kinh doanh vàng miếng báo cáo hằng tuần và nhận thấy không có dấu hiệu khan hiếm. Trong suốt tháng 7, giá biến động mạnh nhưng giao dịch mua bán vàng của các đơn vị lại giảm đi so với những tháng trước đó khoảng 2.400 lượng, còn khoảng 190.000 lượng. Nguyên nhân của việc sụt giảm doanh thu của các đơn vị kinh doanh là do giá quá cao.

Tiền vẫn chảy vào tiết kiệm dù lãi suất liên tục giảm

Với tốc độ tăng giá 38% chỉ trong 7 tháng qua trong khi lãi suất (LS) tiết kiệm một năm vào khoảng 7%, khiến thị trường lo ngại dòng vốn chuyển dịch từ tiết kiệm sang vàng. Thế nhưng, rủi ro của vàng đã khiến nhiều người vẫn chọn tiết kiệm làm nơi trú ẩn. Chị Kim Ngọc (ngụ Q.3, TP.HCM) cho biết đầu tháng 7 vừa qua, sổ tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng của chị đến lúc đáo hạn thì LS chỉ còn 7,4%/năm thay vì 7,8%/năm như đầu năm. 2 tuần sau đó, LS huy động ở NH này tiếp tục giảm, chỉ còn 7,1%/năm và trong ngày 4.8 xuống 6,8%/năm.
“Đây được xem là LS ưu đãi cho khách hàng thân thiết lâu năm. Nhân viên tín dụng cho biết giờ LS được điều chỉnh giảm liên tục nên chưa có kế hoạch gì thì nên chốt kỳ hạn dài để giữ mức lãi cao hơn. Dù lãi giảm nhưng cũng không dám rút ra đầu tư hay mua vàng trong tình hình dịch Covid-19 lây lan gây khó khăn như hiện nay”, chị Kim Ngọc chia sẻ.
Theo báo cáo tổng hợp từ Công ty chứng khoán SSI, chốt tháng 7, LS tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh giảm ở một số NH thương mại lớn, mức giảm từ 0,2 - 0,5% ở tất cả các kỳ hạn khiến LS tiền gửi của nhóm này về sát với LS của 4 NH thương mại nhà nước lớn. Tính chung, trong 7 tháng đầu năm, mặt bằng LS tiền gửi đã hạ xuống thấp hơn từ 1 - 2 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 ở phần lớn các NH thương mại. Tính bình quân, lãi tiền gửi đã giảm 0,7 - 0,9 điểm phần trăm ở kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 1 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019.
Ông Nguyễn Hoàng Minh thì thông tin hoàn toàn trái ngược với lo lắng của thị trường. Từ giữa tháng 7, NH thương mại giảm LS huy động về 3 - 4,25% ở những kỳ hạn dưới 6 tháng, các kỳ hạn dài cũng giảm xuống, mức cao nhất cũng khoảng 7%/năm. Thế nhưng, các NH thương mại trên địa bàn thành phố đã huy động vốn tháng 7 tăng 1,2% so với tháng 6. Đây là tháng có tốc độ huy động vốn nhanh nhất kể từ đầu năm đến nay, đẩy tăng trưởng huy động vốn trong 7 tháng đầu năm lên 4,5%, hơn 2,5 triệu tỉ đồng. Tăng trưởng tín dụng trong tháng 7 cũng khá tốt, lên 4,6% so với đầu năm, lên 2,35 triệu tỉ đồng. Riêng chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp ký kết đầu tháng 7 với trị giá 87.000 tỉ đồng cũng đã giải ngân được 39%, nâng lượng vốn mà các NH thương mại giải ngân của chương trình này từ đầu năm đến nay lên 170.000 tỉ đồng. LS cho vay thấp nhất của chương trình này từ 5%/năm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.