Giảm chi phí vốn
Lãi suất huy động ngoại tệ 0% được áp dụng từ năm 2015 đến nay cộng với giá USD mỗi năm chỉ tăng từ 1 - 2% khiến nhiều người bắt đầu tính toán thiệt hơn khi nắm giữ ngoại tệ. Chị H. (Q.4, TP.HCM) gửi 100.000 USD với lãi 0% gần 3 năm qua nhưng mới đây đã rút ra đổi sang VND và gửi ở một ngân hàng (NH) với lãi suất 7,8%/năm. “Cũng số tiền này gửi tiền đồng mỗi năm thu về hơn 160 triệu đồng lãi. Trong khi gửi USD thì chẳng được đồng nào, thiệt quá”, chị H. tính toán.
Thực tế hiện nay lượng ngoại tệ người dân gửi tại các NH hiện đang giảm. Trong 4 tháng đầu năm, lượng ngoại tệ của hơn 10 NH có trụ sở tại TP.HCM giảm tương đương 5.516 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho hay từ sau khi áp dụng mức lãi suất 0%, tỷ lệ huy động ngoại tệ giảm từ mức 18 - 19% xuống còn 11% như hiện nay. Đây là mức khá thấp nếu so với con số giai đoạn 2007 - 2011 trên 20%, đầu những năm 1990 ở mức 30 - 40%.
Huy động chỉ 0% nên lãi vay USD cũng khá cạnh tranh so với lãi vay VND. Thông tin từ NHNN cho biết, lãi suất cho vay ngoại tệ của các NH phổ biến từ 2,8 - 6%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 2,8 - 4,7%/năm, lãi suất vay trung dài hạn từ 4,5 - 6%/năm. Mức này thấp hơn tiền đồng từ 3 - 4 lần. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) mê vay USD hơn tiền đồng.
Tất nhiên, không phải DN nào cũng được vay ngoại tệ. Theo quy định hiện hành, chỉ có DN có nguồn trả thì mới được vay. Nên các công ty không có nguồn trả, chỉ còn cách nhìn lãi USD mà thở dài.
DN vẫn thấp thỏm
Mặc dù vay USD lợi nhưng bà Thúy, chủ DN chuyên xuất khẩu hàng mỹ nghệ vào châu Âu, Mỹ, cho hay những hợp đồng vay ngoại tệ chủ yếu có thời gian vay ngắn, chỉ 3 hoặc 6 tháng. Trong khi DN đã ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cho đối tác nước ngoài qua năm 2019 nên cũng thấp thỏm. Thực tế đã gần 7 năm nay, NHNN dự kiến đóng việc cho DN vay ngoại tệ để chuyển thẳng sang mua - bán ngoại tệ. Thế nhưng chính sách này liên tục gia hạn và đó là lý do, dù thích vay ngoại tệ để có vốn rẻ các DN vẫn không hết lo lắng.
Người gửi thì rút ra trong khi DN thì tăng vay ngoại tệ khiến việc cân đối cung - cầu ngoại tệ ở một số NH khá chật vật. Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc NH TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank), thừa nhận, các NH cũng gặp khó khăn vì ngoài việc chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng để hưởng mức lãi suất cao hơn, với lãi suất 0%, những khách hàng còn giữ USD thường chọn không thời hạn trong khi cho DN vay có kỳ hạn từ 3 - 6 tháng. Do đó, các NH phải vay lẫn nhau trên thị trường liên NH với lãi suất 1,5%/năm, hoặc vay NH nước ngoài với lãi suất từ 3 - 4%/năm khiến lãi vay USD bị đẩy lên 3 - 6%/năm.
Một áp lực nữa cho chính sách lãi suất USD 0% của NHNN đến từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất huy động USD từ 1,5% lên 1,75% và khả năng trong năm 2018 sẽ còn vài đợt tăng nữa. Đã không ít ý kiến cho rằng, cần tăng lãi suất huy động USD lên để giữ chân USD trong NH, để các nhà băng có nguồn ngoại tệ cho vay, hỗ trợ DN. Tuy nhiên theo một chuyên gia tài chính, hiện tâm lý găm giữ ngoại tệ không còn nữa thì có tăng lãi suất USD lên 1% cũng không hấp dẫn họ nhưng lại khiến mặt bằng lãi suất vay USD tăng lên, áp lực lên lãi vay tiền đồng. Với quan điểm ổn định tỷ giá, kiểm soát tốt lạm phát, vị chuyên gia này cho rằng lãi suất USD 0% hiện đang phù hợp với tình hình USD hóa đang ở mức thấp, NHNN mua được lượng ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối... Tuy nhiên, để thị trường ngoại hối ổn định hơn, chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang mua bán, NHNN cần điều hành chính sách tỷ giá ở mức linh hoạt hơn; tạo điều kiện để NH mua bán ngoại tệ được dễ dàng hơn, thanh khoản tốt hơn.
Bình luận (0)