Vinashin lấy tiền đâu trả nợ 80.000 tỉ?

08/07/2010 00:41 GMT+7

Nợ lương lao động, nợ tổ chức nước ngoài, nợ ngân hàng... tổng cộng hơn 80.000 tỉ đồng, Vinashin lấy tiền ở đâu để trả? Liệu sau 3 năm nữa, Vinashin có xóa được hết nợ như lãnh đạo của doanh nghiệp này tuyên bố?

Nợ ngày một lớn

Đầu tư dàn trải, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính công yếu kém khiến Vinashin rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phải chuyển hàng loạt dự án cho Tập đoàn dầu khí (PVN) và Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines). Số nợ được Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng “chốt” và công bố vào khoảng 80.000 tỉ đồng. Nhưng theo ông Trần Quang Vũ, Tổng giám đốc Vinashin, con số còn lớn hơn. Ông Vũ cho rằng, sở dĩ số nợ mà ông đưa ra lớn hơn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư là do quá trình hoạt động, Vinashin tiếp tục huy động vốn thực hiện dự án còn dang dở.

Cơ cấu chi tiết các khoản nợ hiện đang được tập đoàn này rà soát, tuy nhiên ông Vũ cũng cho biết hiện tại Vinashin đang nợ khoảng 1 tỉ USD từ vốn phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ bảo lãnh. Còn lại là nợ 10 ngân hàng trong đó có BIDV, Vietcombank, Agribank, Vietinbank và một số NH thương mại cổ phần, trong đó, nợ các ngân hàng quốc doanh khoảng trên 50% tổng số nợ.

Không chỉ nợ các tổ chức, Vinashin còn đang nợ nần chồng chất lương và thu nhập của cán bộ, công nhân viên tại hàng loạt nhà máy, công ty con, công ty thành viên. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, thời gian vừa qua các nhà máy lớn của Vinashin đã nợ lương công nhân 2 tháng, có nhà máy nợ 3 tháng, các công ty cổ phần mới thành lập, một số công ty khó khăn nợ đến 5 tháng. Trong khi đó, hiện tại tổng quỹ lương trung bình của cả tập đoàn khoảng 90 tỉ đồng/tháng, mức lương thời kỳ làm ăn phát đạt của Vinashin trung bình 3,5 triệu đồng/người/tháng, nay chỉ còn trung bình 2 triệu đồng/người/tháng. 

Khả năng trả ra sao?

Mặc dù phải gánh khoản nợ khổng lồ, nhưng lãnh đạo của Vinashin vẫn tỏ ra khá lạc quan với kế hoạch tái cơ cấu, kế hoạch trả nợ ngắn hạn và dài hơi của mình. Trước mắt, ưu tiên số một của tập đoàn này, theo ông Vũ là thanh toán tiền lương còn nợ người lao động. Theo đó, ngay trong tháng 8, tháng 9 giải quyết vấn đề lương, cuối năm giải quyết cơ bản vấn đề bảo hiểm xã hội. Đối với khoản nợ các ngân hàng sẽ được trả sau khi thu tiền về từ việc chuyển giao các đơn vị cho PVN và Vinalines.

Số tiền còn lại sau khi “bán” các dự án, được Vinashin dùng để đóng tàu, hoàn tất những tàu dở dang. Ông Vũ cho biết, hiện nay tất cả những con tàu mà Vinashin đang đóng dở dang có giá trị gần 1 tỉ USD - số vốn này không hề mất đi, nếu giải quyết tốt sẽ thu lại một nguồn vốn lớn về tiếp tục trả nợ và cơ cấu. 

Phải gồng gánh các món nợ quá lớn, trong khi nguồn thu đang vô cùng khó khăn, điều kiện duy nhất để Vinashin có hiện nay là bán tài sản, bán dự án. Một trong số đó, chính là hình thức tái cơ cấu nhưng thực chất là bán bớt tài sản sang cho PVN và Vinalines để lấy tiền trang trải nợ nần. Nhiều người đang đặt dấu hỏi, liệu sau khi bán tài sản là các dự án, Nhà máy Vinashin còn lại bao nhiêu tiền, bao nhiêu tiềm lực vốn để tiếp tục đầu tư phát triển thu lợi nhuận?

Theo TS Vũ Đình Ánh - Viện phó Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả của Bộ Tài chính -  gốc gác vấn đề của Vinashin hiện nay chính là phá sản doanh nghiệp, tức là không trả được nợ, chứ không phải đơn thuần mất thanh khoản. Lý do ở đây là sử dụng vốn đầu tư tràn lan, không hiệu quả nên các nghĩa vụ nợ đối với tổ chức tín dụng, với Nhà nước, với cả người lao động... không thực hiện được. Ông Ánh cũng cho rằng, câu chuyện vay nợ của Vinashin với các ngân hàng còn rất nhiều vấn đề phức tạp và phải khoanh nợ những khoản này. Vinashin đã chuyển sang mô hình công ty TNHH một thành viên nhưng vẫn là vô hạn chứ không phải hữu hạn vì là chủ sở hữu vẫn là Nhà nước. Theo đó, Chính phủ vẫn bảo lãnh các khoản nợ cho Vinashin không chỉ các khoản nợ thuộc vốn nhà nước mà còn những khoản nợ liên quan đã phát sinh và sẽ phát sinh đối với mọi chủ nợ khác. Đến nay, vẫn chưa có một cơ chế nào để giải quyết câu chuyện này.

Nhiều đặc quyền nên thiếu trách nhiệm

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, 2 năm về trước, các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo về rủi ro trong cách làm quá vội vàng, duy ý chí, đẩy Vinashin từ một công ty nhỏ bé thành một tập đoàn khổng lồ. “Về mặt nhân sự, đặt một cá nhân ở vị trí nhiều đặc quyền và quá nhiều cám dỗ, thì kết quả như ngày hôm nay là tất yếu”, TS Thành nhấn mạnh.

Ông phân tích: “Về góc độ kinh  tế, khi quyền sở hữu bị tách rời khỏi quyền sử dụng, hay quyền điều hành (khác với doanh nghiệp tư nhân), việc sử dụng tài sản sẽ lãng phí và vô trách nhiệm”. Theo TS Thành, việc Chính phủ đứng ra vay, bảo lãnh vay vốn để Vinashin làm ra sản phẩm, rồi lại bảo lãnh để lấy tiền mua sản phẩm là không hợp lý. “Việc Vinashin được quá nhiều đặc quyền, vô hình trung đã tách rời trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn khỏi rủi ro hay nghĩa vụ phải trả nợ. Vừa rồi Chính phủ buộc phải tái cơ cấu Vinashin, chuyển 20.000 tỉ đồng sang hai tập đoàn lớn khác là PVN và Vinalines, cắt nợ sang để tránh sự sụp đổ của Vinashin”.

Anh Vũ - Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.