Theo đó, Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư 4,5 triệu USD cho dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ biến dị di truyền cho quần thể người Việt” dựa trên việc giải trình tự toàn bộ hệ gien của 1.000 người. Với quy mô này, dự án sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu biến dị di truyền lớn nhất từ trước tới nay và tạo nguồn dữ liệu nền tảng cho các nghiên cứu về gien người Việt cho cộng đồng nghiên cứu trong và ngoài nước. Nghiên cứu sẽ được khởi động vào đầu năm 2019, kéo dài trong vòng 5 năm.
Trong 3 năm đầu (giai đoạn 1), các nhà khoa học sẽ triển khai thu thập mẫu của 1.000 người Việt và phối hợp với các đối tác quốc tế ở Mỹ, Đức, Singapore, Nhật Bản... để giải trình và phân tích toàn bộ hệ gien với độ bao phủ cao rồi lập cơ sở dữ liệu biến dị di truyền cho quần thể người Việt. Từ cơ sở dữ liệu này, các nhà khoa học sẽ xây dựng thêm các danh sách biến dị (panel) tham chiếu phục vụ các nghiên cứu tương quan trên toàn hệ gien, các nghiên cứu về bệnh di truyền và về dược học hệ gien (PGx).
|
GS Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, nhấn mạnh: “Đây không chỉ là tiền đề cho nghiên cứu trong giai đoạn 2 mà còn là nền tảng cho các nghiên cứu về gien khác ở VN. Do tính phức tạp và đòi hỏi nguồn kinh phí lớn của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về gien, dự án sẽ đóng góp rất lớn đối với cộng đồng nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến gien ở VN”.
Ở giai đoạn 2, dự án tập trung vào các nghiên cứu tương quan trên toàn hệ gien để phát triển các phương pháp xét nghiệm cho một số bệnh di truyền và phản ứng có hại của thuốc.
Xây dựng và phân tích hệ gien người có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó nổi bật là y học, dược học, công nghệ sinh học và nhân chủng học. Đặc biệt các nghiên cứu về gien giúp đưa ra các phát hiện, cảnh báo và điều trị sớm một số bệnh, cũng như giúp phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hướng đến từng cá nhân.
Bình luận (0)