“Vua” ba ba miền Tây

11/05/2009 14:26 GMT+7

Đó là anh Phùng Hoàng Giang ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Từ hai bàn tay trắng, anh đã trở thành tỉ phú nhờ nuôi ba ba. Anh còn giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu Xuất thân từ một gia đình làm nông ở xã Long Thạnh, nhà nghèo, đông anh em, lại là anh cả nên Phùng Hoàng Giang phải nghỉ học sớm, đi làm thuê phụ cha mẹ nuôi em. Năm 24 tuổi, Giang lập gia đình, nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng anh mãi.

Trong một lần đi bỏ meo nấm vào năm 2004, anh được một người nuôi ba ba ở Vĩnh Long bán rẻ cho vài chục ba ba con. Phùng Hoàng Giang “bén duyên” với nghề nuôi ba ba từ đó.

Thành công nhờ "bại không nản"

Lúc ấy, anh định nuôi chơi, không ngờ khi ba ba lớn, bán được giá. Thấy ngon ăn, anh gom hết vốn liếng, mua 100 con về nuôi. Do anh không rành kỹ thuật nên ba ba chết hàng loạt. Thất bại, anh chuyển nghề, đi hái trái cây mướn nhưng lòng vẫn ấm ức.

Nhà nông trẻ xuất sắc

Cuối năm 2007, Phùng Hoàng Giang là một trong hai thanh niên điển hình được tỉnh Hậu Giang cử ra Hà Nội nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Cũng trong dịp này, anh được nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT vì đã có thành tích trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển ngành nghề và xây dựng nông thôn.

Anh bàn với gia đình, quyết thử nuôi ba ba lần nữa. Ít vốn, anh làm trung gian mua bán, kiếm tiền hoa hồng, chờ thời. Mỗi lần đến các trại nuôi ba ba, anh đều hỏi thăm kinh nghiệm, học mỗi nơi một chút. Thấy Giang hiền lành, thật thà, người quen cho anh mượn tiền làm vốn.

Từ nguồn vốn đó, anh mua ba ba gần đẻ về nuôi, lấy trứng ấp, bán ba ba con. Ngoài số lượng lớn ba ba con bỏ mối, anh giữ lại một ít để nuôi. Sau một năm, ba ba đạt cỡ 1,5 kg - 2 kg/con.

Lời to, Giang bắt đầu được biết tiếng, nhiều vựa thủy hải sản ở TPHCM, miền Bắc, tỉnh Bình Dương... tìm tới anh đặt hàng. Nhận thấy nuôi ba ba sinh sản bán chạy, Giang bắt đầu mở rộng cơ sở, từ 3 ao ban đầu lên hơn chục ao, mỗi ngày thu hơn 500 trứng, trứng được ấp khoảng 50 ngày là nở.

Anh cũng nuôi đầy 3 ao lớn ba ba lấy thịt, nuôi nhiều lứa nên có hàng bán thường xuyên. Mỗi ngày, trừ khoảng 300.000 đồng chi phí thức ăn, anh lãi khoảng 1 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, anh xuất hàng 5 lần cho các mối lớn ở khắp cả nước.

Liên tục thắng lớn

Vẫn không đủ ba ba cung ứng cho các thị trường xa, anh làm trung gian thu gom hàng rồi bán lại. Nhiều người dân tỉnh Hậu Giang và các địa phương lân cận thấy anh làm ăn được, đến học tập kinh nghiệm.

Năm 2007, tổ hợp tác nuôi ba ba ở xã Long Thạnh do anh Giang làm tổ trưởng được thành lập, tập hợp hơn 10 thanh niên nông thôn chịu khó, cùng nuôi ba ba. Tiếp tục ăn nên làm ra, Giang lập hẳn cả một trang trại nuôi ba ba rộng 3.000 m² phía sau nhà. Từ tấm gương của anh, không ít thanh niên trong xã đã học hỏi theo, đầu tư vốn nuôi ba ba, vượt khó làm giàu. 

Nhờ nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường, anh liên tiếp thắng lớn. “Sắp tới, tôi sẽ nghiên cứu để nâng cao chất lượng con giống, cải tiến kỹ thuật ấp trứng ba ba để đạt hiệu quả cao hơn” - Giang cho biết. Với số vốn tích lũy được, nay anh đã có trong tay bạc tỉ, thừa sức lập thêm một trang trại nữa.

Nay mối làm ăn đã rải khắp từ Nam chí Bắc nhưng có lẽ thành công lớn nhất của Phùng Hoàng Giang là thuần chủng được giống ba ba Đài Loan có những đặc tính phù hợp với điều kiện nước ta.

Theo Khánh Nguyên/ NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.