'Vua' sầu riêng xứ Cao Lãnh

Trần Ngọc
Trần Ngọc
22/06/2019 06:19 GMT+7

Chỉ với 10 công sầu riêng xử lý cho trái nghịch vụ, mỗi năm “vua” sầu riêng Út Hương bỏ túi hơn 500 triệu đồng tiền lãi, cao gấp nhiều lần so với nông dân trồng lúa.

Nỗ lực vượt khó, biến 10 công đất hoang thành vườn sầu riêng đặc sản, thu lãi mỗi năm trên 500 triệu đồng…, bà Phan Thị Ngọc Hương (Út Hương, 54 tuổi, ngụ xã Mỹ Long, H.Cao Lãnh, Đồng Tháp) được người dân địa phương gọi là “vua” sầu riêng.
Trước đây, bà Út Hương công tác tại Công an H.Cao Lãnh, Đồng Tháp. Năm 1992, do kinh tế gia đình khó khăn, bà xin nghỉ việc về nhà để cải tạo 10 công đất bỏ hoang của gia đình.

Khởi đầu trong gian khó

Ngoài mang lại nguồn thu nhập lớn, vườn sầu riêng của bà Hương còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Nhà vườn ở nhiều tỉnh thành đã tìm đến nhà bà Hương học hỏi bí quyết trồng sầu riêng và đều được bà hướng dẫn tận tình. Bà liên tục được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh cấp tỉnh, cấp toàn quốc và được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Bà Hương cũng là một trong 10 cá nhân điển hình về học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 vừa nhận bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp.
Mảnh đất của bà sau nhiều năm bỏ hoang bị nhiễm phèn nặng và khô cằn như sỏi đá. Trâm bầu, cỏ tranh, sậy… mọc um tùm và khó khăn nhất là không có nguồn nước tưới tiêu. Bà Hương cho biết: “Lúc đầu tôi ngao ngán lắm, nhưng phải bung sức ra mà làm mới cải tạo khu đất hoang hóa này được. Sau nhiều tháng nỗ lực, đất của tôi cũng hình thành liếp để trồng cây”.
Thấy nhiều người trồng nhãn “có ăn”, bà Hương trồng theo. Sau 4 năm chăm sóc, vườn nhãn cho trái xum xuê. Thế nhưng trận lũ lịch sử năm 2000 đã cướp đi mọi thành quả lao động của bà. Nhãn bị ngập nước, chết gần hết vườn. Bao nhiêu công sức, vốn liếng bỏ ra bỗng chốc tiêu tan.
Sau một thời gian bỏ đất trống vì không biết tiếp tục với loại cây trồng gì, bà Hương quyết “làm liều”, trồng sầu riêng vì thấy các địa phương khác trồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Khi thấy bà trồng sầu riêng, nhiều kỹ sư quen biết đến tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng khu vườn, rồi khuyên bà nên bỏ cây sầu riêng vì đất phèn và sét sỏi nhiều, không thích hợp với loại cây này. Thực tế đúng như thế, những năm đầu vườn sầu riêng của bà hầu như không phát triển.

Thành công từ sự đam mê

Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều lão nông dân làm vườn trong huyện, bà Hương tiến hành “chiến dịch” cải tạo đất. Cùng với việc cuốc toàn bộ mặt liếp khu vườn lên rải vôi bột và phân lân để “đánh” phèn, bà còn xin thân cây đậu nành, cây bắp… của các hộ dân quanh nhà đem về làm phân hữu cơ cho đất. Ngoài ra, bà còn mua phân bò bón thêm cho vườn sầu riêng. Chẳng bao lâu, vườn cây của bà tươi tốt, phát triển.
Trồng đến năm thứ 6 thì vườn sầu riêng của bà bắt đầu cho trái. Bà Hương rất mừng nhưng một khó khăn khác lại đến. “Sầu riêng trái to thấy ham lắm. Múi vàng, to, dày cơm, nhưng bị sượng, cứng như đá. Tôi bán không ai mua, cho người ta cũng chẳng thèm lấy”, bà Hương kể.
Không nản lòng, bà Hương tiếp tục tìm “thuốc chữa”. Một ngày nọ, xem ti vi thấy ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX sầu riêng Ngũ Hiệp (H.Cai Lậy, Tiền Giang), hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, trong đó có cách chữa bệnh “sầu riêng sượng”, bà Hương liền ghi lại địa chỉ rồi đến tận nhà ông Lộc học hỏi kỹ thuật. Cảm động trước sự quyết tâm của bà, ông Lộc không ngần ngại chia sẻ bí quyết trồng sầu riêng đạt kết quả. Sau một năm thực hiện quy trình hướng dẫn của ông Lộc, sầu riêng của bà Hương không còn bị sượng và năng suất tăng dần qua từng năm.

Chia sẻ bí quyết

Để sầu riêng đạt năng suất cao, bà Hương xây dựng nhà kho ủ và dự trữ phân bò bón cho cây sau thu hoạch trái, giúp cây mau lấy lại sức. Khi sầu riêng nở hoa, hằng đêm bà cần mẫn leo lên thụ phấn chéo giúp cây đậu nhiều trái. Sau khi thu hoạch trái, bà tỉ mỉ cắt từng cuống trái sầu riêng còn sót lại cho sát vào thân cây và trét vôi bột vào ngay vết cắt để tránh cho cây bị vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. “Cây sầu riêng đỏng đảnh như con gái xuân thì. Thời tiết nắng nóng thì dễ bị cháy lá, còn mưa nhiều dễ bị thối rễ. Để trồng sầu riêng đạt năng suất cao, ngoài việc đầu tư nhiều vốn còn phải có sự đam mê và có kỹ thuật. Nhiều nhà vườn ở “vương quốc sầu riêng” Ngũ Hiệp, Tiền Giang tham quan vườn của tôi, họ bất ngờ với các sáng kiến mà tôi đã áp dụng”, bà Hương nói.
Khu vườn của bà Hương hiện có 120 gốc sầu riêng giống Ri 6 và monthong Thái từ 11 - 18 năm tuổi. Trước đây, bà xử lý sầu riêng cho trái theo mùa thuận, đạt năng suất từ 8 - 9 tấn trái/năm, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Từ năm 2016 đến nay, bà học hỏi kinh nghiệm và xử lý cho sầu riêng ra trái nghịch vụ thành công, năng suất đạt từ 7 - 8 tấn trái/năm. “Tuy sản lượng trái có giảm chút ít nhưng giá sầu riêng nghịch vụ luôn ở mức giá từ 55.000 - 65.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với mùa thuận. Do áp dụng quy trình sản xuất sạch và được HTX sầu riêng Ngũ Hiệp tiêu thụ sản phẩm nên tôi không sợ sầu riêng trồng rồi không bán được”, bà Hương chia sẻ.
Chỉ với 10 công sầu riêng xử lý cho trái nghịch vụ, mỗi năm “vua” sầu riêng Út Hương bỏ túi hơn 500 triệu đồng tiền lãi, cao gấp nhiều lần so với nông dân trồng lúa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.