'Vươn' cao tốc tới các cảng

05/01/2021 06:19 GMT+7

Hệ thống cao tốc dù đã được tăng tốc đầu tư, nhưng vẫn đang trong tình cảnh thiếu nơi này, hụt nơi kia khiến cho mạng cao tốc kết nối với cảng biển, cảng hàng không cũng “chỗ đủ, chỗ thiếu”.

Ùn tắc bủa vây các cảng

Sáng nay 5.1, Cảng hàng không quốc tế Long Thành chính thức được khởi công. Là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, sự kiện sân bay Long Thành “động thổ” sau thời gian dài chờ đợi mang đến kỳ vọng rất lớn cho toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Để sân bay này phát huy tốt vai trò, ngay từ khi mới lên kế hoạch, giao thông kết nối đã trở thành một trong những vấn đề được đặt ra hàng đầu.
Theo quy hoạch, để tạo thuận lợi cho việc đi lại sau khi sân bay đi vào hoạt động, cũng như giúp cho kinh tế trong vùng phát triển mạnh mẽ, sẽ có 5 tuyến cao tốc kết nối sân bay Long Thành gồm: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Long Thành - Bến Lức, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, hiện nay, ngoài tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải và cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vừa chính thức khởi công ngày 30.9, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2022, hệ thống giao thông kết nối các tỉnh phía nam tới sân bay Long Thành vẫn chưa thành hình. Chưa kể, kế hoạch khép kín vành đai 2, vành đai 3 của TP.HCM, tạo thuận lợi cho người dân TP tiếp cận sân bay mới trong tương lai vẫn đang lay lắt chậm trễ từ năm này tới năm khác, chưa tìm ra lối thoát.

Khởi công tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Ngày 4.1, Bộ GTVT phối hợp UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1. Đến dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ban ngành T.Ư và địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận Ảnh: Bắc Bình

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cắt băng thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

ẢNH: BẮC BÌNH

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.826 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2023. Chiều dài tuyến khoảng 22,97 km, đi qua TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long), H.Châu Thành (Đồng Tháp), H.Long Hồ, H.Bình Tân, TX.Bình Minh (Vĩnh Long). Dự án được xây dựng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, với 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25 m. Giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã dự lễ cắt băng thông tuyến Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Bắc Bình - Xuân Phúc
 
Ngoài sân bay Long Thành, dự án nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất cũng là một trong những dự án trọng điểm phía nam đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai bởi sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Chưa tính đến lượng khách gia tăng sau khi có nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, không có đường chuyên dụng, không có hệ thống đường cao tốc, đường trên cao kết nối, đã trở thành một trong những điểm đen ùn tắc giao thông của TP.HCM.
Cảng hàng không ùn, cảng biển cũng không tránh khỏi tắc. Hiện TP.HCM có tổng cộng 11 cảng làm hàng container và hàng rời, với tổng diện tích trên 310 ha và trên 7.000 m cầu tàu. Tuy nhiên, các cơ sở hậu cần logistics chủ yếu tập trung tại khu vực quanh cảng Cát Lái khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Quy hoạch đường vào cảng chỉ 12.000 xe/ngày đêm, nhưng hiện ghi nhận từ 19.000 - 20.000 xe ra vào cảng Cát Lái mỗi ngày đêm. Toàn bộ lượng xe lớn đổ dồn vào đường như Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, không chỉ dẫn tới kẹt xe mà còn kéo theo nguy cơ lớn về mất an toàn giao thông.
Trong bối cảnh đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành và cao tốc Đồng Nai - Vũng Tàu kỳ vọng sau khi hình thành sẽ giảm bớt lượng xe từ miền Tây, miền Đông đi cảng Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) không qua TP.HCM, giảm tải cho khu vực này, đến nay vẫn đang ngưng trệ. Tương tự, cảng Cái Mép - Thị Vải dù được đầu tư rất lớn, nhưng chưa phát huy hết công suất, trong đó kết nối giao thông thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính.

Tăng kết nối với đường bộ

Đầu tháng 12, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc nối Phú Yên với Tây nguyên vào quy hoạch mạng lưới đường bộ 2021 - 2030. Theo đó, tuyến cao tốc Phú Yên nối Tây nguyên không chỉ có tính chất kết nối liên vùng để thúc đẩy giao thương hàng hóa, mà còn là tuyến giao thông kết nối với cảng biển loại 2 - cảng Vũng Rô, cảng hàng không Tuy Hòa, cảng hàng không Buôn Ma Thuột, cửa khẩu quốc tế Đăk Ruê (Việt Nam - Campuchia). Đề xuất này cũng cho thấy thực tế kết nối giữa đường bộ cao tốc với các cảng, kể cả hệ thống sân bay và cảng biển đều đang thiếu hụt.
Trả lời Thanh Niên, TS Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT, cho biết hiện nay hệ thống đường bộ về cơ bản đã vươn đến các cảng, gồm cả hàng không, cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1... Tuy nhiên, việc khai thác còn hạn chế do đường bộ chưa thể đáp ứng hết, nhất là các cảng biển nằm gần khu vực đô thị dễ gây ùn tắc cục bộ như khu vực cảng Cát Lái (TP.HCM).
“Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đang được xây dựng với mục tiêu khắc phục các bất cập trong kết nối này. Tất cả hệ thống đường bộ cao tốc sẽ kết nối với các cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1 một cách thông suốt. Ngoài ra, sẽ san tải cho các cảng biển đang thừa công suất với các cảng biển chưa hoạt động hết công suất, kết nối tăng hiệu quả của đường thủy nội địa để giảm tải cho đường bộ”, TS Lê Đỗ Mười thông tin.
Tại khu vực phía nam vẫn đang bị “trống” cao tốc, sẽ từng bước hình thành mạng lưới cao tốc trong vùng với vai trò chiến lược cho phát triển vùng, gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau dài 260 km quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó, ưu tiên đầu tư đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23,56 km và cầu Mỹ Thuận 2; đoạn Cần Thơ - Sóc Trăng dài 86,3 km; đoạn Sóc Trăng - Cà Mau dài 48,7 km. Cao tốc Bắc - Nam phía tây (tuyến N2) đoạn Chơn Thành - Rạch Sỏi dài 292 km quy mô 4 - 6 làn xe. Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh dài 190 km quy mô 4 làn xe, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 215 km, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 205 km, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh dài 104 km, quy mô 4 làn xe...
Theo đó, tại khu vực phía bắc, ví dụ như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) sẽ kết nối với hành lang đường thủy số 1 từ Hải Phòng - Quảng Ninh lên Việt Trì (Phú Thọ), hành lang số 2 đi từ Thái Bình - Nam Định có dự án do Ngân hàng Thế giới tài trợ mở rộng cửa Đáy (Ninh Bình), vận tải thủy ven bờ kết nối Lạch Huyện với các cảng biển ven bờ Hải Phòng, Quảng Ninh. Khu vực phía nam, cảng Cát Lái sẽ kết nối đường thủy với cảng Cái Mép - Thị Vải, miền Tây sẽ đi theo kênh Chợ Gạo, giảm tải hàng hóa cho khu vực Cát Lái và TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.