Theo ông Thạch Phu My (ngụ ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, H.Cầu Kè), những năm 1980 giá trị dừa sáp còn thua dừa thường, do thương lái không chịu mua. Vì vậy, người dân địa phương chỉ trồng 5 - 10 cây dừa sáp với mục đích... ăn chơi, làm quà biếu.
Rồi theo thời gian, H.Cầu Kè có nhiều điểm tổ chức lễ hội định kỳ hằng năm nên khách phương xa hành hương, tham quan ngày một nhiều. Một số nhà vườn đã đem dừa sáp bán cho các quán để chế biến nước uống phục vụ du khách. Với hương vị ngon, lạ, dừa sáp được du khách truyền tai nhau, từ đó dần dần trở nên nổi tiếng, giá liên tục tăng, giúp nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên khá giả.
Cây bạc triệu
Anh Thạch Em (ngụ ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân) cho biết anh có 120 gốc dừa sáp chỉ mới cho trái khoảng hơn năm nay, nhưng mỗi tháng thu hoạch gần 100 trái loại 1, bán với giá từ 120.000 - 130.000 đồng/trái. “Những trái ít sáp hơn cũng bán được bình quân từ 70.000 - 80.000 đồng/trái; còn những trái không sáp giá bán luôn cao hơn dừa thường nên thu nhập của gia đình hơn 15 triệu đồng/tháng”, Thạch Em khoe và cho biết trồng dừa rất khỏe vì nhẹ công chăm sóc. Gần đây, nông dân được hướng dẫn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, từ cách trồng, bón phân, chăm sóc... đều ghi vào sổ sách để rút kinh nghiệm, hướng đến sản xuất an toàn, chất lượng nên dừa sáp càng dễ tiêu thụ hơn.
Ông Thạch Phu My cho biết thêm, trung bình dừa sáp trồng theo cách truyền thống chỉ cho từ 2 - 3 trái sáp/buồng. Nhưng hiện nay, nhờ được ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là thực hiện phương pháp thụ phấn trợ lực nên tỷ lệ trái sáp tăng đến 30% so với cách trồng truyền thống trước đây. Thấy được hiệu quả, giờ đây hàng trăm hộ dân ở Hòa Tân đều ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng dừa sáp. Anh nhẩm tính khi cây dừa sáp ở giai đoạn từ 7 tuổi trở lên, bình quân một năm cho khoảng 120 - 150 trái, với hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40 - 50%, tính theo giá bán hiện thời thì mỗi cây dừa sáp cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/năm.
Ông Trần Văn Lực, cán bộ nông nghiệp xã Hòa Tân, cho biết toàn xã có hơn 26.000 cây dừa sáp của hơn 800 hộ dân, hộ ít thì khoảng 1 công (20 cây), còn hộ nhiều thì trồng hơn 2 ha. Với mức giá hiện nay, nếu trồng dừa theo truyền thống nông dân vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Triển vọng mới từ dừa sáp cấy phôi
Bây giờ, người dân ở Cầu Kè càng vui mừng hơn khi dừa sáp nằm trong top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng nhất VN, mở ra nhiều triển vọng phát triển loại cây này. Hơn thế nữa, giá dừa sáp chưa bao giờ bị giảm mà cứ liên tục tăng. Nếu như năm 2005, giá một trái dừa sáp chỉ ở mức 40.000 - 50.000 đồng, thì nay đã tăng gấp 3 lần.
Trước sự hấp dẫn về giá trị kinh tế của dừa sáp, hơn 10 năm trước, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phát triển cây dừa sáp trên vùng đất xã Hòa Tân (H.Cầu Kè). Theo đó, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu phối hợp Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh hỗ trợ hơn 20 nông dân trồng hơn 950 cây dừa sáp trên diện tích 6 ha, nhằm thực hiện dự án bảo tồn nguồn giống dừa sáp, nâng cao thu nhập cho đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, năm 2008, H.Cầu Kè còn xây dựng dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp. Hiện toàn H.Cầu Kè đã có hơn 33.000 cây dừa sáp.
Ngoài ra, cũng trong năm 2008, các nhà khoa học tại Trường ĐH Trà Vinh phối hợp Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu bắt đầu nghiên cứu để thực hiện cho ra các giống dừa sáp cấy phôi tại địa phương. Sau 7 năm nghiên cứu, thực nghiệm, đầu năm 2016 quy trình này được công nhận với sản phẩm giống dừa sáp khi trồng sẽ cho tỷ lệ trái có sáp trên 70%, đặc biệt có vườn tỷ lệ lên đến 90%, 100%. TS Lâm Thái Hùng, Trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh), cho biết: “Giống dừa sáp ngoài tự nhiên trung bình 1 buồng khoảng 10 trái thì chỉ có 2 trái cho sáp, những trái còn lại là dừa bình thường. Khi đó, nông dân lấy 8 trái không sáp làm cây giống thì cây con khi trưởng thành cho tỷ lệ trái có sáp cũng tương tự. Từ thực tế này, khoa nghiên cứu lấy phôi (mọng) trái dừa có sáp cấy, nuôi trong môi trường dinh dưỡng để thành cây giống đem đi trồng sẽ cho tỷ lệ trái có sáp nâng lên rất cao”.
TS Phạm Thị Phương Thúy, Phó trưởng khoa Nông nghiệp - Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh), người trực tiếp nghiên cứu, cho biết để cho ra một cây giống phải mất 2 năm, gồm các công đoạn như: lấy phôi trong trái dừa sáp, cấy phôi rồi nuôi trong môi trường dinh dưỡng, đem ra vườn ươm đến khi cây cao khoảng 1 m có thể cung ứng ra thị trường. Chi phí để làm ra cây giống dừa sáp theo phương pháp này khá cao. Hiện khoa đang nhận hợp đồng cung ứng giống cho nông dân với giá 800.000 đồng/cây. Sau đó, nông dân trồng thêm khoảng 4 năm nữa thì dừa sáp sẽ cho trái. Một số vườn đã cho thu hoạch với tỷ lệ trái có sáp đều trên 70%, có vườn lên đến 90%.
Theo ông Thạch Phu My, trồng dừa sáp cấy phôi không chỉ đạt tỷ lệ sáp khoảng 90% mà thời gian trồng rút ngắn chỉ khoảng gần 2/3 thời gian so với trước nên nông dân rất an tâm. “Hiện nay, do số lượng giống còn ít, giá lại khá cao nên nông dân phải đắn đo khi đầu tư mua cây giống cấy phôi về trồng, vì thế diện tích trồng dừa sáp cấy phôi phát triển còn rất chậm. Nếu giảm được giá cây giống thì nông dân sẽ trồng loại cây này nhiều hơn”, ông Thạch Phu My nói.
|
Bình luận (0)