Xăng, điện chịu áp lực tăng giá

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/09/2018 08:01 GMT+7

Bộ Công thương cho biết chi phí tăng thêm với giá điện đến hết 2018 sẽ vượt 5.500 tỉ đồng, giá xăng cũng chịu áp lực lớn khi giá thế giới đang tăng cộng với việc “cõng” thêm thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm 2019.

Đó là thông tin đáng chú ý được thảo luận tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì, diễn ra vào hôm qua (28.9).
Kiến nghị lùi thời điểm tăng thuế môi trường
Bộ Công thương phải truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ của loại xăng này, góp phần giảm mặt bằng giá xăng trong thời gian tới
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ
Báo cáo tại cuộc họp về công tác điều hành giá 9 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc xả Quỹ bình ổn xăng dầu “với liều lượng phù hợp” đã giúp giá xăng E5 RON92 chỉ tăng 10,9% so với cuối năm 2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% (so với lúc bắt đầu công bố giá cơ sở vào cuối tháng 4), trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tăng trên 22%.
Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang trên đà tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông nên áp lực tăng giá vào dịp tết là rất lớn. Quỹ bình ổn sau một thời gian liên tục xả hiện còn 3.100 tỉ đồng, nên rất cần phải “gia cố” quỹ trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” quỹ phù hợp với thực tiễn để bảo đảm không tăng giá vào dịp tết… Đặc biệt, ông Hải lo ngại, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít, có hiệu lực từ 1.1.2019, rơi vào tháng chạp và tháng giêng, sẽ làm tăng giá xăng dầu, tác động tới điều hành CPI của năm 2019. Do vậy, ông Hải kiến nghị cần thực hiện tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu vào thời điểm khác thích hợp.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho biết, thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 tăng tới kịch trần nhưng chỉ ở mức 3.850 đồng/lít (không ở mức 4.000 đồng/lít như các loại xăng khác). Bên cạnh đó, bộ này đang hướng dẫn việc hoàn lại 2% thuế tiêu thụ đặc biệt của xăng E5 RON92 cho các doanh nghiệp nhập khẩu nhằm khuyến khích việc sản xuất, phân phối và tiêu thụ xăng sinh học.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (đang chiếm 41% thị phần tiêu thụ trong nước) đang thấp hơn xăng RON95. Do vậy, Bộ Công thương phải truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ của loại xăng này, góp phần giảm mặt bằng giá xăng trong thời gian tới, góp phần giảm tác động tới CPI. Phó thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ bình ổn giá phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này. Sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng sinh học E5, tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm mặt bằng giá xăng dầu.
Đồ họa: Hồng Sơn

Gần 5.500 tỉ đang “đè” vào giá điện ?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN cần tổ chức tốt đấu thầu thuốc tập trung trong kế hoạch 2018, sớm chuẩn bị khung khổ chính sách đấu thầu trong năm 2019, kiên quyết thí điểm đấu thầu vật tư y tế tại Bộ Y tế. Theo Phó thủ tướng, điều này ước tính sẽ giúp kéo giảm khoảng 15 - 17% giá khám chữa bệnh hiện hành
Với giá điện, theo ông Đỗ Thắng Hải, trong 3 tháng cuối năm sẽ không tăng giá đúng như chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, các khoản chi phí đầu vào của giá điện đã phát sinh rất lớn, gây áp lực lớn trong hoạt động của Tập đoàn điện lực VN (EVN). Cụ thể, tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 (bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019) là khoảng 20.735 tỉ đồng, dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ trong năm 2019.
Ông Hải cho biết, Bộ Công thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN... kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc kiểm tra, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào thì sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.
Theo báo cáo tại cuộc họp, trong tháng 9, CPI tăng 0,59% so với tháng 8 (kịch bản là tăng 0,6 - 0,7%). Tính chung 9 tháng, CPI tăng bình quân 3,57%.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận, diễn biến của lạm phát tháng 9 và 9 tháng cơ bản trùng khớp với dự báo từ đầu năm. “Chúng ta vừa điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo thị trường, vừa đưa được giá các dịch vụ công, mặt hàng do nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường trong bối cảnh biến động của giá hàng hóa thế giới, thiên tai bão lũ phức tạp mà CPI tháng 9 chỉ tăng ở mức 0,59% là thành công”, ông Huệ nói.
Dù vậy, Phó thủ tướng lưu ý, vẫn có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu “đứng” ở mức cao, thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu là giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7 - 3,95%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.