Xe tải Trung Quốc hết 'cửa'?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
20/03/2019 06:53 GMT+7

Đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu ô tô tải từ 20% lên 25% của Bộ Tài chính sẽ khiến xe tải nhập từ Trung Quốc mất “ngôi vương” trên thị trường.

Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi… Bộ Tài chính đã trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu một số dòng xe tải đang ở mức 20% (thấp hơn cam kết WTO) lên 25% khớp với mức thuế suất quy định trong WTO. Cụ thể với các loại xe tải đông lạnh, ô tô thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải, ô tô xi-téc, ô tô chở xi măng kiểu bồn, ô tô chở bùn có thùng rời nâng hạ dưới 45 tấn.
Ngoài ra, với loại xe trộn bê tông, bộ này cũng đề nghị tăng thuế suất từ 15% lên 20% theo cam kết WTO. Hiện kim ngạch nhập khẩu dòng xe này từ Trung Quốc cũng đang chiếm hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu xe trộn bê tông nói chung.

Chiếm 50% thị phần xe tải

Một số tổng đại lý phân phối xe tải tại TP.HCM cho rằng, doanh số xe Trung Quốc suy giảm mạnh nhất là dòng xe tải nhỏ, siêu trường siêu trọng. Các thương hiệu như Shacman, Howo, Dongfeng… của Trung Quốc đang cạnh tranh rất mạnh bởi các dòng xe lắp ráp và sản xuất tại VN như Hyundai, Thaco, Suzuki, Mitsubishi, Hino, Isuzu hay Fuso, Kia...
Ông Đỗ Hùng Mạnh, Giám đốc Tổng đại lý xe tải Sài Gòn, cho biết xe tải nhập từ Trung Quốc và xe tải Trung Quốc được lắp ráp tại VN đang chiếm 50% thị phần xe tải của cả nước. Có 2 lý do khiến người tiêu dùng chuộng xe tải Trung Quốc là giá rẻ và nhà sản xuất rất biết “chiều” lòng khách hàng.
“Các nhà máy tại Trung Quốc cho các đại lý đặt hàng trước với nhiều mức giá khác nhau, cỡ nào cũng được đáp ứng, thời gian giao xe nhanh. Chẳng hạn với thương hiệu xe tải Dongfeng hiện có nhiều đơn vị nhập về VN với rất nhiều mức giá khác nhau. Giá chênh nhau từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho cùng một loại, cùng đời. Chủ yếu do đại lý yêu cầu thêm bộ phận gì, bớt chi tiết nào trong xe để có mức giá cạnh tranh, chứ không phải đại lý lớn được ưu tiên có giá tốt hơn đại lý nhỏ. Thế nên, trên thị trường xe tải, từ lợi thế "linh hoạt", xe của Trung Quốc vẫn đang giữ ngôi đầu bảng về thị phần”, ông Mạnh nói.
Theo các đại lý xe tải nhập tại TP.HCM, giá xe tải của Trung Quốc hiện thấp hơn xe của Nhật, Hàn khá nhiều. Chẳng hạn, xe tải đầu kéo thương hiệu Chenglong, Howo hay Dongfeng của Trung Quốc giá khoảng 1,1 - 1,2 tỉ đồng/chiếc, xe cùng loại đó của Hyundai, Isuzu giá từ 1,6 - 1,7 tỉ đồng/chiếc. Xe trộn bê tông của Trung Quốc cũng khoảng 1 - 1,5 tỉ đồng/chiếc, xe của Nhật từ 2 - 3 tỉ đồng/chiếc…
Tham khảo giá tại Công ty xe tải nhập khẩu (Q.12, TP.HCM), đại diện bộ phận kinh doanh ở đây cho hay giá xe tải đời mới nhập từ Hàn Quốc có thể cao gấp 2 - 3 lần so với giá xe nhập từ Trung Quốc. Trước thông tin thuế nhập khẩu có thể tăng thêm 5%, ông Mạnh cho rằng giá xe nhập chắc chắn tăng hơn nhưng không ảnh hưởng nhiều vì vài năm gần đây xe tải nhập của Trung Quốc đã “nhường sân” cho các dòng xe tải cũ rồi.
“Tuy chiếm đến 50% thị phần, nhưng thời xe Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường xe tải đã qua rồi, ít nhất là gần 2 năm trở lại đây, sau khi Bộ Tài chính quyết định nâng thuế nhập khẩu đối với một số dòng xe tải vào cuối năm 2015”, ông Mạnh nhớ lại.

Cơ hội cho xe lắp ráp trong nước

Tháng 12.2015, Bộ Tài chính đã quyết định nâng thuế nhập khẩu với các dòng xe tải. Cụ thể xe tải tối đa từ 10 đến dưới 20 tấn có mức thuế tăng từ 30% lên 50%, xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 20 tấn nhưng dưới 24 tấn tăng từ 20% lên 50%. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xe tải nhập khẩu năm 2016 giảm đến 40% so với năm 2015 và đến nay tiếp tục giảm. Năm 2015 có 11.000 xe tải được nhập từ Trung Quốc, đến hết năm 2018, cả nước nhập hơn 1.300 chiếc.
Ông Lục Văn Đồng, phụ trách kinh doanh Trung tâm xe tải đầu kéo TP.HCM (Q.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: Thị trường thích mua xe tải giá rẻ để sớm lấy lại vốn chứ không dám đầu tư chiếc mấy tỉ đồng, khó lấy lại vốn và cũng khó bán lại. Nếu giá xe nhập từ Trung Quốc tăng, chắc chắn người tiêu dùng chọn mua những dòng xe lắp ráp trong nước hoặc xe nhập giá cao hơn từ các nước ASEAN. Bởi xe Trung Quốc phân phối qua các đại lý từ “thượng vàng hạ cám”, không có chuẩn về giá và chất lượng, không có đại lý độc quyền nên tâm lý người mua hay cân nhắc nhiều hơn về giá và chất lượng nếu tăng giá. Trong khi đó, xe tải nhập khẩu từ ASEAN có thể được hưởng thuế suất 0%.
“Gần đây, sức cạnh tranh của thị trường vận tải khá cao, nhiều doanh nghiệp giải thể và bán lại xe nên lượng xe tải cũ được bán thanh lý cũng nhiều hơn. Chẳng hạn, chiếc Shacman cũ 4 chân đời 2016 thùng bạt, thân vỏ còn mới 70 - 80% tại cửa hàng này có giá 680 triệu đồng. Nếu xe mới, giá cao gấp đôi so với giá xe cũ. Những công ty lớn sẽ chọn mua xe của Hàn, Nhật chứ mua xe Trung Quốc thì mua xe cũ của các nước phát triển vẫn hơn mà giá cả khá mềm”, ông Đồng phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.