Xuống tận ruộng giúp dân trị bệnh cho cây sắn

26/07/2016 06:44 GMT+7

Trước tình trạng bệnh rệp sáp bột hồng gây hại nặng trên cây sắn ở Phú Yên, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT-BVTV) Phú Yên đã cử chuyên gia đến tận chân ruộng để chỉ cách phòng trừ rệp cho nông dân.

Người trồng sắn ở Phú Yên liên tiếp 4 năm liền đối mặt với bệnh rệp sáp bột hồng gây hại, có thời điểm lên đến gần 500 ha bị nhiễm bệnh này mất trắng. Bà Nguyễn Thị Mai, ở xã Xuân Phước, H.Đồng Xuân, cho biết gia đình bà trồng 4.000 m2 sắn, nhưng năm vừa rồi bị rệp sáp bột hồng gây hại, khi thu hoạch củ sắn chỉ bằng ngón tay út nên phải cày phá. Tương tự, ruộng sắn của ông KPá Bố, ở xã Krông Pa (H.Sơn Hòa) cũng bị rệp sáp bột hồng. Ông mua thuốc về điều trị nhưng chẳng có kết quả, ruộng sắn mất trắng.
Trên diện tích khảo nghiệm 1 ha trồng giống sắn KM94 đang bị rệp sáp bột hồng gây hại nặng, tỷ lệ từ 20 - 30%, ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, H.Đồng Xuân, các chuyên gia Chi cục TT-BVTV Phú Yên đã tiến hành phòng trừ ruộng sắn nhiễm bệnh bằng 4 công thức khác nhau. Qua đó, ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm TT-BVTV H.Đồng Xuân, xác nhận mật độ rệp sáp bột hồng trên sắn giảm nhiều sau khi xử lý bằng 2 cách: ngắt ngọn, phun thuốc Actara 2 lần và ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần. Tại Buôn Lé A, xã Krông Pa (H.Sơn Hòa), Chi cục TT-BVTV Phú Yên cũng đã làm mô hình khảo nghiệm tương tự với diện tích 1 ha trên giống sắn KM140. Việc xử lý rệp được trình diễn cho nông dân thấy trực tiếp. “Người dân chọn cách ngắt ngọn, phun thuốc Actara 1 lần vì ít ảnh hưởng môi trường và giảm chi phí mua thuốc”, thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Phú Yên, khuyến cáo.
Ông Nay Xuân, nông dân ở xã Krông Pa tham gia mô hình, đánh giá cách các chuyên gia về tại chân ruộng, hướng dẫn trực quan người dân, cùng bắt tay làm đã mang lại hiệu quả và giúp dân dễ hiểu, dễ nhớ. Còn ông KPá Bố hồ hởi: “Tui làm đúng như chuyên gia hướng dẫn, bẻ đọt gom đốt rồi phun thuốc, từ chỗ bẻ đọt cây sắn ra nhánh khác, phát triển cho củ bình thường”.
Theo ông Nguyễn Văn Hạ, Giám đốc Trung tâm BVTV miền Trung, khi sắn đã bị rệp sáp bột hồng thì tiến hành tiêu hủy nhằm cắt đứt nguồn lây lan, đặc biệt là không sử dụng cây sắn bị nhiễm rệp sáp bột hồng làm giống trong vụ trồng mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.