Tái diễn nạn phá rừng bắt địa sâm

25/07/2009 00:08 GMT+7

Sau một thời gian tạm lắng, cơn sốt săn lùng địa sâm lại bùng phát ở xã Vĩnh Hải (H.Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Vào lúc cao điểm, mỗi ngày có hơn 200 người kéo nhau đi phá rừng bắt địa sâm.

Tuyến rừng phòng hộ ven biển Vĩnh Châu dài gần 28 km với khoảng 3.600 ha, chủ yếu là rừng mắm và đước, có nhiều địa sâm. Ông Nguyễn Văn Vũ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu - cho biết lâu nay người dân Sóc Trăng ít ai biết địa sâm là con gì nên không quan tâm. Khoảng tháng trước có một vài mối lái từ Trà Vinh tới tìm mua địa sâm với số lượng lớn nên người dân đã kéo nhau đi săn bắt về bán. Việc đào hang tìm địa sâm không khó vì chúng làm hang chỉ cách mặt đất khoảng 2 tấc nên chỉ cần vài nhát xẻng là đã tìm thấy. Mỗi ngày một người có thể kiếm được 3 - 5 kg, bán với giá không dưới 10.000 đồng/kg. Do địa sâm dễ bắt và có giá khá cao nên ngoài dân địa phương và từ các nơi khác cũng kéo về Vĩnh Châu săn lùng. 

Địa sâm bị kiểm lâm tịch thu

Địa sâm có nhiều tên gọi khác nhau, như: sá sùng, chặt khoai, cu đất, sâm đất… Chúng là động vật thân mềm có vòi, con trưởng thành dài khoảng 6 phân, bụng mềm oặt chứa nước và đất. Bình thường địa sâm mềm nhũn nhưng khi bị chà xát, thân mình chúng sẽ phình lên căng cứng, vòi trào ra chất nước sền sệt. Địa sâm rời khỏi mặt đất một ngày là chết nên khi bắt được phải bán liền cho lái. Ông Vũ cho biết, người kéo vào rừng săn bắt địa sâm thì nhiều trong khi lực lượng kiểm lâm quá ít, do đó nhiều khi phát hiện người dân phá cây, đào bới đất rừng, chưa kịp tịch thu tang vật (cuốc, xẻng, thùng chứa địa sâm) thì đã bị nhiều thanh niên cầm gầy gộc, cuốc, xẻng đứng bao quanh đe dọa.

Trước nguy cơ rừng phòng hộ bị đe dọa, ngày 1.7, UBND huyện Vĩnh Châu đã có chỉ thị yêu cầu lực lượng công an, biên phòng, các ban ngành trên địa bàn huyện phối hợp cùng kiểm lâm ngăn chặn phá rừng săn địa sâm. Cùng lúc đó, Chi cục Kiểm lâm cũng yêu cầu các hạt kiểm lâm lân cận tăng cường hỗ trợ Hạt Kiểm lâm Vĩnh Châu. Nhờ huy động lực lượng hùng hậu, xử lý triệt để và tới tận nhà giáo dục, thậm chí quản thúc các đối tượng chuyên vào rừng bắt địa sâm nên tình hình tạm thời đã lắng dịu. Tuy nhiên theo ông Vũ, hiện nay mỗi ngày vẫn còn vài chục người vào rừng săn địa sâm.    

Chúng tôi theo hai kiểm lâm viên thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Châu vào rừng phòng hộ. Đi qua những vùng săn địa sâm thấy cây rừng bị chặt phá như gặp bão. Trong rừng mắm mọc lúp xúp, chúng tôi gặp gia đình ông L. đang đào địa sâm. Cả nhà 4 người dùng cuốc cán ngắn cặm cụi đào. Thấy kiểm lâm, họ liền dừng tay chụp lẹ thùng chứa địa sâm rồi vác cuốc đi mất.

Ông Nguyễn Hiếu Học, Phó chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, cho biết chưa thống kê hết mức thiệt hại nhưng nếu không ngăn chặn kịp thời thì cánh rừng phòng hộ sẽ bị tàn phá nghiêm trọng. Cũng theo ông Học, do địa sâm thường sống dưới các rễ cây non nên việc đào bắt sẽ làm chết hoặc ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng của cây.

Địa sâm dùng để làm gì? Một người thu mua địa sâm cho biết: "Địa sâm qua sơ chế sẽ được đóng gói chuyển lên TP.HCM. Nghe nói địa sâm được bán qua Trung Quốc làm thức ăn tăng cường sinh lực gì đó. Giá sau khi sơ chế cỡ trên 80.000 đồng/kg". Trước đây các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu cũng đau đầu với nạn phá rừng săn địa sâm. Khi chính quyền những địa phương này ngăn chặn, "phong trào" săn địa sâm lan sang các khu vực mới.

Thanh Dũng - Châu Vĩnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.