Sau 10 năm hoạt động, Tràng Tiền Plaza đang đóng cửa để tu sửa lại. Tràng Tiền Plaza mới sẽ kế thừa ngôn ngữ kiến trúc của Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền xưa.
Thời thuộc Pháp, tòa nhà có hai mặt tiền này là nhà hàng Gordard do Liên hiệp thương mại Đông Dương và châu Phi xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20. Đến năm 1960, cơ sở này đổi tên thành cửa hàng Bách hóa tổng hợp và là cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đầu tiên ở Hà Nội, bán vải vóc, đồ điện máy, văn phòng phẩm… lớn nhất Hà Nội và khu vực miền Bắc.
Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền thời ấy là điểm đến thú vị của người Hà Nội và du khách thập phương. Người các tỉnh về Hà Nội chơi mà chưa vào Bách hóa tổng hợp coi như chưa đến Hà Nội. Anh Quang, người Hải Phòng kể: “30 năm trước, khi còn là sinh viên, cứ cuối tuần là lại nhảy tàu điện từ Thanh Xuân lên Hồ Gươm chơi, ăn kem Tràng Tiền và vào Bách hóa Tràng Tiền. Đó là thú vui lớn nhất mà những ai đã từng là sinh viên ở Hà Nội thời bao cấp đều không thể nào quên”. Còn anh Thắng, một người Hà Nội gốc, nhà ở phố Khâm Thiên thì ngắn gọn: “Bách hóa Tràng Tiền là bố tướng”, bố tướng là khái niệm của sự oai, oách ngày ấy, như là có bố làm… tướng!
Năm 1995, Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền ngừng kinh doanh. Tháng 5.1999, Công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng Tiền được thành lập. Năm 2000, trung tâm thương mại Tràng Tiền (Tràng Tiền Plaza) được xây mới và khai trương vào năm 2002 như một biểu tượng kinh tế thời hội nhập.
|
Không lâu sau, năm 2007, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Vinaconex, phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng Tiền, đơn vị quản lý Tràng Tiền Plaza, đã được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Tháng 4.2011 Tràng Tiền Plaza một lần nữa đóng cửa để thực hiện dự án tái cơ cấu và cải tạo để đem lại một diện mạo mới.
Kỳ vọng về một biểu tượng của thủ đô sẽ được tái hiện, nhiều người Hà Nội cho rằng, nếu thay đổi thì nên trở về “diện mạo” cũ. Bác Trần Hùng ở Cầu Giấy cho biết: “Trong thời kỳ mới thì Tràng Tiền cũng nên là một biểu tượng mới. Cải tạo gì thì cũng nên giữ lại nét truyền thống, để nơi này là điểm đến thú vị của người Hà Nội và du khách”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng Tiền cho biết: “Sau 10 năm hoạt động kể từ khi xây mới, các thiết bị nội thất của Tràng Tiền Plaza cũng như kiến trúc bên ngoài đã không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân và của khách thuê. Do vậy, việc cải tạo lại là việc làm cần thiết đối với một “biểu tượng” của Hà Nội. Tràng Tiền Plaza sẽ được khôi phục lại vị thế gắn liền với công trình Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, có giá trị lịch sử và truyền thống của Thủ đô. Công trình vẫn giữ nguyên kết cấu hiện trạng và chỉ làm mới lại phần nội thất và mặt tiền cho công trình với chiều cao hiện tại, bao gồm 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, trên diện tích 4.346 m2”.
Cũng theo bà Dung, Hội đồng kiến trúc – quy hoạch thành phố đã nhất trí với phương án cải tạo mặt ngoài theo hướng kế thừa ngôn ngữ kiến trúc của Bách hóa Tổng hợp trước đây, sang trọng và hài hòa với kiến trúc tiêu biểu của Nhà hát lớn, khách sạn Sofitel Metropole… nhưng vẫn mang hơi thở của kiến trúc đương đại. Theo dự kiến, Tràng Tiền plaza mới sẽ khai trương trong năm 2012 và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân với các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, các sản phẩm tiêu dùng chất lượng cao, khu ăn uống và vui chơi giải trí cao cấp.
Tràng Tiền Plaza chính thức hoạt động từ khoảng đầu năm 2002 sau khi được xây dựng mới trên vị trí Bách hóa Tổng hợp cũ, nhìn ra Hồ Gươm, ba mặt giáp với các phố Tràng Tiền, Hàng Bài và Hai Bà Trưng. Trung tâm thương mại với gần 20.000 m2 mặt bằng kinh doanh này từng được kỳ vọng "góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới", là địa chỉ mua sắm không chỉ của người dân Thủ đô mà cả đông đảo du khách thập phương. |
Phi Loan
Bình luận (0)