Tái hiện hình ảnh của người Ai Cập cổ đại cách đây 35.000 năm

09/04/2023 10:13 GMT+7

Các chuyên gia Brazil đã sử dụng hình ảnh kỹ thuật số để tái hiện khuôn mặt của một người đàn ông sống ở Ai Cập cổ đại khoảng 35.000 năm trước.

Tái hiện hình ảnh của người Ai Cập cổ đại cách đây 35.000 năm - Ảnh 1.

Tái dựng hình ảnh từ hài cốt của một người đàn ông gốc Phi, tuổi từ 17 đến 29 vào thời điểm tử vong

CÍCERO MORAES

Nhà khảo cổ học Moacir Elias Santos, công tác tại Bảo tàng Khảo cổ Ciro Flamarion Cardoso thuộc Ponta Grossa (Brazil), và nhà thiết kế đồ họa 3D Cícero Moraes đã dựa vào hài cốt được khai quật ở Ai Cập để tái hiện hình ảnh kỹ thuật số về người Ai Cập cổ đại.

Hình ảnh là kết quả của nỗ lực thể hiện khuôn mặt của hộp sọ Nazlet Khater 2, hóa thạch 35.000 năm tuổi được tìm thấy ở Thung lũng sông Nile năm 1980, theo Đài CNN hôm 8.4.

Kết quả phân tích nhân chủng học sau đó xác định hài cốt thuộc về một người đàn ông gốc Phi, tuổi từ 17 đến 29 vào thời điểm tử vong. Đối tượng có chiều cao 1,6 m khi còn sống.

Hé lộ gương mặt vua Ai Cập Tutankhamun lần đầu tiên sau hơn 3.300 năm

Đội ngũ chuyên gia đã sử dụng biện pháp ước lượng khuôn mặt và phép đo ảnh để hoàn tất việc tái hiện hình ảnh khuôn mặt từ một hộp sọ, hiện được bảo quản ở Bảo tàng Quốc gia về Nền Văn minh Ai Cập ở Cairo.

Đây cũng là quy trình được các chuyên gia thế giới gần đây áp dụng nhằm xác định cách thức con người tiến hóa qua các thế kỷ.

Hồi tháng 2, các nhà nghiên cứu công bố mô hình tái dựng 3D một phụ nữ người Nabatae cổ đại, dựa trên hài cốt được tìm thấy vào năm 2015 bên trong một ngôi mộ 2.000 năm tuổi ở Hegra (Ả Rập Xê Út).

Hai ông Santos và Moraes hy vọng công trình của họ có thể cung cấp thêm thông tin cho lĩnh vực nghiên cứu về tiến hóa ở người. Hình ảnh này của người Ai Cập cổ đại dự kiến sẽ được công bố tại một cuộc triển lãm trong thời gian tới.

Báo cáo đã được đăng tải trên chuyên san OrtogOnline (Brazil).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.