Quy định mới của cơ quan chức năng về việc xác thực tài khoản khi dùng mạng xã hội đang trở thành chủ đề được thảo luận xôn xao khắp các hội nhóm trên internet. Một số người ủng hộ cho rằng động thái này có thể giúp hạn chế thông tin độc hại, tiêu cực nhưng số khác lo ngại về tính khả thi.
Quy định mới về tài khoản mạng xã hội
Theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9.11, trong vòng 90 ngày, từ 25.12.2024, các mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới phải xác thực tài khoản người dùng bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động, cần xác thực bằng số định danh cá nhân.
Điểm e, khoản 3, điều 23 của Nghị định 147/2024/NĐ-CP nêu rõ: "Đảm bảo chỉ những tài khoản đã được xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp người dùng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân".
Theo đó, ngoài việc bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, hệ thống kỹ thuật thiết lập mạng xã hội phải có khả năng đáp ứng các yêu cầu: Lưu trữ thông tin của người sử dụng dịch vụ từ Việt Nam khi đăng ký tài khoản mạng xã hội, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại di động tại Việt Nam (hoặc số định danh cá nhân).
Nền tảng cũng cần xác thực tài khoản của người dùng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội, cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung trẻ em đăng tải, chia sẻ.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định nhân sự chịu trách nhiệm quản lý nội dung, thông tin của nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội là người có quốc tịch Việt Nam, có trụ sở chính với địa chỉ và số điện thoại liên hệ rõ ràng, liên hệ được.
Nhà cung cấp dịch vụ phải có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ vào thời điểm bất kỳ.
Về điều kiện kỹ thuật, các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP người dùng dịch vụ và nhật ký xử lý thông tin đăng tải phải lưu trữ tối thiểu trong hai năm. Khi hết thời gian lưu trữ theo quy định của pháp luật phải xóa thông tin của người dùng dịch vụ tại Việt Nam.
Phản ứng của cộng đồng
Quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại đang được cộng đồng người dùng internet đặc biệt quan tâm. Nhiều người ủng hộ quy định này vì cho rằng việc này có thể giảm thiểu lượng "tài khoản ảo" trên các nền tảng, từ đó hạn chế những bình luận tiêu cực hoặc đăng tải thông tin không chính xác. Ngoài ra việc xác minh bằng số điện thoại cũng khiến các nhà sáng tạo nội dung, quảng cáo, bán hàng livestream có trách nhiệm hơn với nội dung mình chia sẻ đến cộng đồng.
Tuy nhiên quy định mới cũng khiến nhiều người bối rối. Hoài Thanh, quản trị viên một nhóm hơn 2 triệu thành viên trên Facebook nói: "Một trong những tính năng hấp dẫn nhất của Meta vừa được triển khai ở Việt Nam là cho phép người dùng bình luận ẩn danh. Điều này nhằm hạn chế những công kích cá nhân, khuyến khích mọi người nêu quan điểm cá nhân nhiều hơn. Nhưng nghị định xác thực tài khoản bằng số điện thoại lại khiến nhiều người lo ngại về tính tương thích giữa nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý".
Trong khi đó, ông Mai Thanh Phú, chuyên gia cung cấp các dịch vụ trên mạng xã hội, cho rằng nghị định này có thể phù hợp với những mạng xã hội trong nước, nhưng với các nền tảng xuyên biên giới sẽ phức tạp hơn nhiều. Ông dẫn chứng trên Facebook, người dùng có thể tạo tài khoản bằng email, không nhất thiết phải có số điện thoại. Từ một tài khoản ảo, lại tiếp tục tạo được nhiều fanpage ẩn danh để đi bình luận, chia sẻ thông tin.
Ngoài ra ông Phú cũng lưu ý việc người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, du lịch nếu không có số điện thoại sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi việc cung cấp các giấy tờ cá nhân như số định danh cá nhân luôn được họ cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên ông cho rằng nghị định quy định "có ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam" có thể hiệu quả trong việc quản lý này.
"Tôi nghĩ các mạng xã hội xuyên biên giới luôn sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng để có phương án tốt nhất. Việc thực thi được hay không là vấn đề khác vì nó liên quan rất nhiều đến cơ sở dữ liệu, chức năng của người dùng trên nền tảng", ông Phú nói.
Bình luận (0)