Vital Strategies là đối tác của Quỹ Bloomberg Philanthropies - đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Sáng kiến Vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu tại TP.HCM giai đoạn 2015 - 2025. Dự án này có 3 hợp phần chính là: Truyền thông; Cưỡng chế và Kỹ thuật hạ tầng giao thông.
Báo cáo kết quả nghiên cứu, phân tích dữ liệu qua các năm, ông Bùi Nhật Minh - Trường đại học GTVT phân hiệu TP.HCM cho biết số ca tử vong do tai nạn giao thông sau dịch Covid-19 có xu hướng tăng vọt.
Trong đó, số người đi xe máy dẫn đầu số vụ tai nạn dẫn tới tử vong (nhiều nhất từ năm 2020 - 2022, chiếm 86% tổng số ca tử vong). Người đi xe máy tử vong chủ yếu do va chạm bởi xe máy khác, xe tải nhỏ và xe tải lớn và tự gây tai nạn... Kết quả khảo sát còn cho thấy phần lớn vụ tai nạn xảy ra vào thứ bảy, chủ nhật, khung giờ từ 22 giờ.
Đặc biệt, các đơn vị lọc ra được danh sách điểm đen tai nạn giao thông, "top" điểm đen ở TP.HCM gồm: nút giao thông An Sương, quốc lộ 50, cầu vượt Tân Thới Hiệp, nút giao đường Phạm Văn Đồng... Trong đó các tuyến có tỷ lệ tử vong cao nhất gồm: quốc lộ 1, quốc lộ 50, đường Vườn Lài...
Từ những dữ liệu trên, đơn vị nghiên cứu đưa ra những giải pháp mà TP.HCM cần gấp rút triển khai. Cụ thể, TP.HCM tập trung ưu tiên xử lý điểm đen và đường nguy hiểm, tiêu biểu như điểm đen nguy hiểm nhất TP.HCM là giao lộ An Sương (nút giao quốc lộ 1, quốc lộ 22, đường Trường Chinh, quận 12) và tuyến đường nguy hiểm nhất là Vườn Lài.
Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng cho người đi bộ, dễ tiếp cận an toàn, phát triển giao thông công cộng; giảm tốc độ ưu tiên an toàn cho người đi xe máy; có biện pháp can thiệp trường hợp tự gây tai nạn.
Ngoài ra, chính quyền phải thực thi nghiêm, xử lý các trường hợp vi phạm tốc độ, vi phạm nồng độ cồn, không đội nón bảo hiểm...
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Thành Lợi - Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM - khẳng định tai nạn giao thông gây tử vong và thương tích nghiêm trọng tác động tới kinh tế - xã hội. Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn dẫn tới mất an toàn giao thông, nhất là đối với người yếu thế như người già, trẻ em...
Với các báo cáo, phân tích về số liệu này, các chuyên gia đã cung cấp những bằng chứng quan trọng về tình hình an toàn giao thông; đồng thời cung cấp tài liệu khoa học kịp thời và thực tiễn về các nguy cơ tiềm ẩn đối với người tham gia giao thông yếu thế trên địa bàn như: người đi xe máy, người sử dụng phương tiện thô sơ, người đi bộ.
"Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận ra an toàn giao thông xuất phát từ ý thức của mỗi người và những nhóm lỗi nhất định... Từng nhóm lỗi, nguyên nhân chính sẽ có giải pháp thực tế tương ứng nhằm giảm tối đa thiệt hại với người dân. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cũng cần biện pháp, thời gian triển khai và phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chấp hành của người dân", ông Lợi nói.
Bình luận (0)