Tai nạn máy bay và những trường hợp thoát chết hy hữu

22/08/2005 21:38 GMT+7

Kể từ cái chết đầu tiên do tai nạn máy bay vào năm 1908, cảm giác lo sợ khi đi máy bay luôn ám ảnh con người bởi cơ may sống sót trong một tai nạn máy bay là rất thấp. Tuy nhiên, vẫn còn đó những phép mầu...

 

Giây phút kinh hoàng trên chiếc A330

 

Vừa mới chìm vào giấc ngủ, những hành khách trên chiếc Airbus A330 của Hãng hàng không Qantas (Úc) đã bị đánh thức sau khi phi hành đoàn thông báo máy bay phải quay trở lại nơi xuất phát là Nhật Bản vì bị trục trặc. Lúc đó vào khoảng 23 giờ 15 phút ngày 20.8.2005. Trong khi đó, một số hành khách ngửi thấy mùi khét của cái gì đó đang cháy. Ai nấy đều rất hoảng loạn. Hành khách M.Hogg cho biết mọi người thật sự bị sốc: "Tôi rất lo lắng cho 3 đứa con nhỏ của mình khi biết máy bay phải hạ cánh khẩn cấp". Khi máy bay hạ cánh, toàn bộ khoang máy bay chìm trong bóng tối vì đèn đóm đã bị tắt hết. Tình hình càng rối loạn hơn khi hành khách biết được mình phải rời khỏi máy bay bằng cầu trượt khẩn cấp. Do các hệ thống thoát hiểm khẩn cấp được thiết kế để di chuyển hành khách ra khỏi máy bay trong vòng 90 giây nên mọi người hầu như không có thời gian suy nghĩ gì nhiều mà chỉ hành động một cách máy móc theo sự hướng dẫn của phi hành đoàn. Tổng cộng có 9 người bị thương trong lúc thoát hiểm. Vụ đáp máy bay khẩn cấp trên là sự kiện mới nhất trong chuỗi những sự cố và tai nạn của lịch sử ngành hàng không trên thế giới.

 

Ăn thịt người chết để sống

 

Xác suất sống sót trong một vụ tai nạn máy bay là cực thấp nhưng thỉnh thoảng phép mầu vẫn xảy ra. Vào năm 1972, chiếc máy bay nhỏ chở một đội bóng rugby của Uruguay gồm 45 người trên đường đến Chile đã đâm xuống sườn núi Andes khiến 18 hành khách thiệt mạng, một số bị thương nặng đã qua đời sau đó nhưng vẫn còn 16 người sống sót. Và thật kỳ diệu, số người này vẫn tiếp tục trụ vững trước lưỡi hái tử thần 72 ngày sau đó trên núi cho đến khi được cứu thoát. Những người sống sót đã thú nhận một sự thật kinh hoàng là họ phải ăn thịt đồng đội đã chết của mình để kéo dài sự sống trong cái giá buốt thê lương và luôn trong tâm trạng dày vò, sợ hãi khi xung quanh là phần còn lại của những xác chết mà họ đã ăn dần. Một trường hợp khác còn hy hữu hơn: máy bay nổ tung trên không nhưng vẫn có người thoát chết. Đó là trường hợp của tiếp viên hàng không Vulovic, 22 tuổi. Một quả bom phát nổ trong khoang hành lý vào tháng 1.1972 khiến phần đuôi chiếc DC-9 của Hãng hàng không Yugoslav (Nam Tư cũ) có Vulovic trên đó rơi thẳng từ độ cao hơn 10 ngàn mét xuống một sườn núi đầy tuyết thuộc CH Czech. Mặc dù bị gãy 2 chân, cô vẫn sống sót. Kỳ tích này được lặp lại trong một trường hợp nổ máy bay trên không khác. Vài tuần trước Giáng sinh năm 1971, một máy bay đã phát nổ sau khi bị sét đánh trúng trên không phận của Peru. Chỉ có một người sống sót: Koepcke, 17 tuổi. Lần này nạn nhân, bị mắc kẹt trong ghế ngồi, rớt từ độ cao 3,2 km xuống khu rừng rậm Amazon phía dưới mà không hề hấn gì nhờ các cơn gió đang từ dưới đất bốc lên đã làm giảm tốc độ rơi của Koepcke. Nạn nhân đã được phát hiện sau 11 ngày lang thang trong rừng già. Vụ chiếc Airbus A340 của Air France bị trượt khỏi đường băng, vỡ ra và bốc cháy hôm 2.8 ở phi trường Toronto (Canada) cũng là một trường hợp đặc biệt khi tất cả 309 người trên máy bay đều thoát chết. (BBC, Kyodo, ABC)

 

 Thụy Miên

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.