Tai nạn trong trường học do xây dựng không đúng chuẩn

25/12/2010 17:00 GMT+7

Xung quanh việc học sinh bị tai nạn, thương tích trong trường học, kiến trúc sư, tiến sĩ Trần Thanh Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra những cảnh báo rất đáng quan tâm.

* Thưa ông, trong thời gian qua tại Hà Nội đã xảy ra không ít trường hợp học sinh bị tai nạn thương tích trong trường học. Vậy theo ông nguyên nhân của tình trạng này là gì?

- Tiến sĩ Trần Thanh Bình: Báo cáo chưa đầy đủ của các Sở (Y tế, Giáo dục, Xây dựng...) cho thấy các tai nạn chủ yếu xảy ra là do: ngã xuống hố vôi, hố nước, hố đào... trong khu vực công trường; tai nạn do sự cố sập đổ, rơi từ trên cao vào người của máy móc, thiết bị, phương tiện và vật liệu thi công… Đáng lưu ý là những tai nạn trong quá trình khai thác sử dụng công trình mà trường hợp 2 học sinh ở trường Tiểu học Định Công vừa rồi. Những tai nạn này thường là ngã từ trên cao xuống (do lan can yếu, thưa, thấp); ngã do cầu thang trơn, dốc, thiết kế xây dựng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật qui định…

* Xin ông cho biết, hiện chúng ta đã có những quy định gì trong thiết kế, xây dựng để đảm bảo an toàn cho học sinh ?

- Tiến sĩ Trần Thanh Bình: Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng và văn bản pháp qui hiện hành nói chung đều đã có các qui định liên quan tới phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em. Bên cạnh đó là hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng. Nhưng vấn đề là, vẫn phải thừa nhận hệ thống tiêu chuẩn, qui chuẩn xây dựng và văn bản pháp qui hiện hành vẫn còn những tồn tại, bất cập cần khắc phục. Đặc biệt về thiết kế công trình chưa có qui định soát xét tiêu chuẩn định kỳ, đặc biệt những khâu liên quan tới đặc điểm phát triển thể chất của học sinh… Theo tôi, một nguyên nhân quan trọng là  những quy định hiện hành cũng không được tuân thủ một cách đầy đủ nên mới dẫn đến các tai nạn đáng tiếc ở trường học.

* Vậy theo ông, cần có biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng đó?

- Tiến sĩ Trần Thanh Bình: Để chấn chỉnh việc thực thi các qui định liên quan đến phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trong hoạt động xây dựng trường học, theo tôi, cần rà soát lại các qui định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình trường học cũng như nâng cao năng lực thực hiện và chất lượng thẩm định các dự án, thiết kế. Đây là việc làm cần thiết nhằm tránh để các thiết kế công trình trường học chất lượng kém, chưa đúng qui cách, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến phòng chống tai nạn trẻ em vẫn được thi công xây dựng.

Thứ hai, cần thực hiện nghiêm các qui định về an toàn tại công trường xây dựng cũng như tăng cường việc giám sát thực thi. Việc này nhằm tránh những nguy cơ thực tế và tiềm tàng về tai nạn thương tích trẻ em trong quá trình thi công xây dựng công trình trường học, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ xây dựng mở rộng, cải tạo trong các trường còn khá phổ biến và bên cạnh đó diện tích sân chơi còn hạn hẹp. 

Cuối cùng là cần thực hiện nghiêm túc các qui định về đánh giá chất lượng và nghiệm thu công trình trong quá trình khai thác sử dụng công trình.

* Trên thực tế, khi xảy ra những tai nạn, thương tích của học sinh do liên quan đến xây dựng thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm, thưa ông?

- Tiến sĩ Trần Thanh Bình: Trước hết là trách nhiệm về quản lý cơ sở giáo dục của chính quyền cấp cơ sở; Thứ hai là trách nhiệm về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Tùy từng trường hợp cụ thể để xem xét trách nhiệm của các bên liên quan.

Trên thực tế, khi xảy ra tai nạn thương tích, xã hội thường cho rằng trách nhiệm là của nhà trường. Tuy nhiên, nhà trường chỉ là đơn vị sử dụng công trình, không phải chủ đầu tư nên đôi khi không có quyền tự chủ. Nhưng đúng là có chuyện, nhà trường có quyền không nhận bàn giao công trình để đưa vào sử dụng nếu thấy thiếu an toàn cho họ sinh.

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.