Tại sao có người thích đùa giỡn với tình cảm của người khác?

Thảo Phương
Thảo Phương
25/02/2023 12:59 GMT+7

Tình yêu đôi lứa xuất phát từ sự chân thành, cảm xúc rung động của cả hai. Tuy nhiên, lại có người mang tình cảm của người khác ra để đùa cợt. Thời gian gần đây, cụm từ “trap boy”, “trap girl” xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội kèm theo cụm từ “bóc phốt”. Vậy thực chất “trap boy”, “trap girl” là gì mà ai cũng muốn tránh xa?

Tại sao có người thích đùa giỡn với tình cảm của người khác? - Ảnh 1.

Tình cảm luôn xuất phát từ sự chân thành nên đừng mang ra để đùa giỡn

NGÔ QUANG THƯ

"Kẻ" đùa giỡn với tình cảm của người khác

‏"Trap" trong tiếng Anh có nghĩa là "cái bẫy" còn "trap boy", "trap girl" trong từ điển của gen Z có nghĩa là "người đặt bẫy", tức là ám chỉ những chàng trai, cô gái dùng lời lẽ ngon ngọt để tán tỉnh người khác theo kiểu giỡn cợt chứ không hề có tình cảm với đối phương.‏

‏Từng gặp phải "trap boy", V.T.K.M, sinh viên một trường ĐH thuộc khối ĐH Quốc gia TP.HCM kể: "6 tháng trước mình rơi vào "bẫy" tình của một bạn nam cùng trường. Bạn ấy chủ động làm quen và tán tỉnh mình trước. Sau nhiều tháng nhắn tin qua lại, mình nhận thấy bạn ấy đối xử với mình rất ân cần, quan tâm không khác gì người yêu. Tụi mình cũng hẹn nhau đi ăn, đi chơi riêng, có nắm tay và ôm nhau (đều do bạn nam kia chủ động)", K.M kể. ‏

‏Tưởng chừng như đã gặp được "định mệnh" của đời mình, thế nhưng mối quan hệ mập mờ này cứ kéo dài mãi khiến K.M bất an vì chàng trai kia chưa hề có một lời tỏ tình nào. "Dần dần những hành động của bạn ấy khiến mình siêu lòng và có tình cảm nên thời gian sau mình chủ động quan tâm tới bạn nam nhiều hơn và ngỏ lời muốn xác định mối quan hệ của cả hai. Thế nhưng bạn kia bình thản cho rằng chỉ xem mình như bạn bè và không có tình cảm với mình. Sau đó chặn hết mọi liên lạc và không cho mình lời giải thích nào", K.M kể. ‏

‏K.M luôn tự trách mình vì cho rằng bản thân không tốt nên đối phương mới rời đi. "Mình tự nhốt bản thân trong phòng khóc lóc đau khổ suốt một tuần liền, cho tới khi mình vô tình đọc được bài viết "bóc phốt" của một bạn nữ "tố" bạn nam mà mình từng quen là "trap boy", một lúc làm quen, tán tỉnh với nhiều cô gái. Lúc này, mình mới biết rõ bộ mặt thật của anh ta", K.M nói.‏

‏Cùng cảnh ngộ với K.M, cho nên đến giờ này Ngô Tấn Hưng (25 tuổi), trọ tại 42/2 Lương Ngọc Quyến, phường 5, Q.Gò Vấp (TP.HCM) vẫn chưa dám quen ai vì sợ gặp phải "trap girl" lần nữa. 

"Năm ngoái mình có quen một bạn nữ, sau thời gian tìm hiểu mình đã ngỏ lời muốn ở bên cạnh, cô ấy không phản đối gì mà vẫn vui vẻ nên mình cứ ngỡ là đã đồng ý. Mình dành tất cả tình yêu thương, sự chân thành cho bạn gái, thế nhưng, suốt thời gian ở bên cạnh mình cô ấy không hề công khai mối quan hệ này. Nhưng không vì thế mà tình cảm của mình sẽ thay đổi, vậy mà cô ấy lại cho mình một cú sốc khi trong thời gian bên cạnh mình vẫn qua lại với rất nhiều người và nói rằng không hề có tình cảm với mình, chỉ muốn quen cho vui. Lúc đó mình như sụp đổ hoàn toàn và đến tận bây giờ mình vẫn không thể hiểu vì sao người ta lại mang tình cảm của mình ra đùa giỡn như thế", Hưng tâm sự. ‏

Điều gì tạo nên "trap boy", "trap girl"?

‏Việc đùa giỡn với tình cảm chân thành của người khác sẽ gieo tổn thương, sự đau khổ cho đối phương. Thế nhưng, vì sao họ vẫn nhẫn tâm làm điều đó? ‏‏Để lý giải điều này, ‏‏thạc sĩ tâm lý Nguyễn Anh Khoa, giảng viên ngành tâm lý học, khoa Quan hệ công chúng và truyền thông, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng:‏‏ "Người đùa giỡn với tình yêu thường tìm kiếm cảm giác thích thú khi chinh phục được người khác, bằng cách này, họ cảm thấy bản thân mình cũng đầy sự thu hút. Mặt khác, ta sẽ thấy được "cái tôi bị tổn thương" của họ, chính họ đã từng có những trải nghiệm (đặc biệt là khi còn nhỏ) về việc bản thân không đáng yêu, hay không có chút giá trị gì nên không có được sự yêu thương từ người khác. Cũng vì thế mà sự cô đơn cứ ám ảnh họ. Cho nên khi trưởng thành, họ tìm kiếm những cảm giác thích thú khi thu hút được người khác. Cái họ tìm không phải là một người để yêu thương mà là sự lấp đầy những khoảng trống cô đơn sâu thẳm trong tâm hồn".

Tại sao có người thích đùa giỡn với tình cảm của người khác? - Ảnh 2.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Anh Khoa

NVCC

‏Cũng theo thạc sĩ Khoa, mỗi khi "trap" được người khác sẽ kích thích hóoc môn dopamine giúp "trap boy", "trap girl" cảm thấy vui vẻ, hứng khởi. Nhưng dopamine là "chất gây nghiện", nghĩa là nó luôn cần tăng liều, đồng nghĩa với việc phải tăng số lượng người mình "trap". Và khi không thể trap thêm nhiều người nữa họ sẽ phải quay về đối mặt với thứ mà họ luôn né tránh: sự cô đơn. ‏

‏"Niềm vui trong cuộc sống không chỉ đến từ dopamine, chúng ta còn có nhiều hóa chất thần kinh khác như endorphin khi ta học được cách bình tâm với mọi sự, hay như oxytocin khi ta yêu thương và được ai đó yêu thương thật lòng. Nếu cứ mãi lẩn trốn nỗi đau, ắt hẳn rồi cũng có lúc "kẻ cắp gặp bà già": người đi gieo tương tư trở thành người đi ôm tương tư. Cho nên đừng bao giờ mang tình cảm của người khác ra làm trò đùa vì suy cho cùng điều này sẽ khiến cho cả hai đều bị tổn thương", thạc sĩ Khoa nói.‏

‏Còn với những "nạn nhân" của "trap boy", "trap girl" thì thạc sĩ Khoa khuyên rằng: "Mọi cuộc tình ít nhiều đều có "rủi ro" và bị "trap" là sự cố ngoài ý muốn nên bản thân không có lỗi. Khi cảm thấy đau buồn, hãy tìm đến những người thân quý mến bạn nhất để chia sẻ cảm xúc của mình. Giãi bày nỗi lòng với bạn bè, gia đình hay bất kỳ ai trân trọng và luôn yêu thương bạn là cách tốt để bạn sớm vượt qua. Trong trường hợp không tìm ra người yêu thương bạn vô điều kiện, bạn có thể tìm đến những nhà tâm lý để được giải bày mà không sợ bị phán xét. Dù đã xảy ra chuyện gì thì bạn cũng xứng đáng để được yêu thương", thạc sĩ Khoa cho hay.‏

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.